Subscribe

RSS Feed (xml)

Powered By

Skin Design:
Free Blogger Skins

Powered by Blogger

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA ALBERT CAMUS - KẾT LUẬN

1. Tính biểu tượng là một nét phong cách nghệ thuật độc đáo của Camus

Nếu đọc kĩ các tác phẩm của Albert Camus, người đọc có thể nhận thấy một đặc điểm khá thú vị, đó là Camus rất hay nói đến sự im lặng. Dường như mỗi nhân vật trong các tác phẩm của ông đều sống trong một hòn đảo im lặng nào đó. Và, có lẽ chính vì thế mà biểu tượng - thứ ngôn ngữ của sự im lặng - được Camus khai thác rất triệt để. Gần như trong bất kì tác phẩm nào, Camus cũng đều sử dụng biểu tượng, và các biểu tượng cũng được ông khai thác một cách phong phú về số lượng và đa dạng về ý nghĩa. Có những hình ảnh trong tác phẩm này thì giàu ý nghĩa biểu tượng, trong tác phẩm khác lại chỉ được sử dụng như một hình ảnh đơn thuần. Có biểu tượng trong mỗi tác phẩm lại thể hiện các ý nghĩa khác nhau. Điều đặc biệt là có những biểu tượng (như biểu tượng nước) có những nét ý nghĩa đã được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng nhưng khi đi vào trong tác phẩm của Camus lại thể hiện ý nghĩa khác - thậm chí trái ngược hẳn - ý nghĩa truyền thống đó. Cũng là một điều đặc biệt khi hầu hết các nhân vật chính trong ba tiểu thuyết của Camus (và cả trong tiểu thuyết cuối đời của ông, Con người đầu tiên) đều được nhà văn gán cho ý nghĩa biểu tượng. Đối với ông, mỗi nhân vật đó đều là một “nhân vật của thời đại”.
Chính những biểu tượng nghệ thuật này cũng đã góp phần giúp Camus khẳng định chỗ đứng của mình trên văn đàn Pháp và thế giới. Quả thật, trong thế giới của Joyce, Proust, Faulkner…, sự giản dị trong các sáng tác của Camus thật sự là một điều xa lạ. Các tiểu thuyết của ông có cốt truyện rõ ràng, lối kể chuyện ngắn gọn, cô đúc. Có thể nói, nhìn bề ngoài, lối viết tiểu thuyết của Camus rất cổ điển, không có sự vi phạm các yếu tố truyền thống như cốt truyện, nhân vật, từ ngữ, cấu trúc câu…, nhưng thật sự, trong các tác phẩm đó, có một sự cách tân rất lớn, điển hình như việc khai thác tính nước đôi trong tiểu thuyết. Để tạo được những nét riêng đó, Camus phải dựa không ít vào khả năng khai thác các biểu tượng của mình.

2. Vai trò của biểu tượng nghệ thuật trong việc thể hiện tính cách nhân vật và tư tưởng tác giả trong các tiểu thuyết của Camus.
Các biểu tượng đã đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách nhân vật và tư tưởng của tác giả, góp phần truyền tải thông điệp của Camus. Ba tiểu thuyết thành công đánh dấu ba thời kì sáng tác với những chuyển biến và kế thừa; quả thật Camus có thể tự hào về những gì mình đã đạt được trên phương diện là một nhà văn. Là một nhà văn phi lí và nhà văn hiện sinh chủ nghĩa, các sáng tác của Camus đã trải qua những thử thác khắc nghiệt của thời gian khi rất nhiều tác phẩm văn học phi lí và văn học hiện sinh không có chỗ đứng trên văn đàn. Qua ba tiểu thuyết được chúng tôi khảo sát trong luận văn này, có thể thấy quả thực các tác phẩm của Camus đã viết về những vấn đề đặt để đối với nhân loại ngày nay. Các biểu tượng chồng chất trong các tiểu thuyết của ông đã góp phần rất lớn khẳng định giá trị của các tác phẩm đó.
Camus đã viết về cái phi lí, sự phản kháng và lưu đày trong cuộc sống của con người hiện đại. Các tác phẩm của ông, bằng cách này hay cách khác, đã buộc con người phải nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại cuộc sống của mình. Có thể có những người không tán đồng với cách giải quyết của Camus hay không ủng hộ thái độ của ông khi đối diện với cái phi lí, đối diện với những vấn đề thời đại, nhưng dù có thế thì họ vẫn không thể phủ nhận những vấn đề Camus đã đặt ra, không thể dửng dưng trước những câu hỏi tại sao đã ám ảnh con người hàng bao thế kỉ.
Trong ba tiểu thuyết của Camus, Dịch hạch được giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc đánh giá cao cả về giá trị nội dung và tư tưởng. Thông qua hình ảnh dịch hạch biểu tượng cho cái ác, cho chiến tranh, cho những tăm tối phá hủy con người và những gì thuộc về con người, Camus đã đưa ra một lời cảnh báo đối với toàn nhân loại về hiểm họa cái ác. Cũng thông qua sự phản kháng của các nhân vật trong tác phẩm, Camus đã thể hiện một thái độ tích cực là phải đương đầu với cái ác, cái xấu; đương đầu với chiến tranh, hiểm họa, cho dù những sự phản kháng đó có tuyệt vọng, có vô ích đi chăng nữa. Dịch hạch cũng là lời phủ định của Camus đối với những cầu viện nơi các đấng siêu hình, đồng thời là sự khẳng định vào sự tồn tại của những con người trung thực bình thường.
Trong khi đó, ở Người xa lạ và Sa đọa, hai tác phẩm mang đậm tư tưởng bi quan của Camus, người đọc vẫn không thể phủ nhận những đóng góp của chúng đối với nhận thức của nhân loại. Cái phi lí mà tác giả thể hiện trong Người xa lạ rõ ràng đã dạy cho con người phải biết thẳng thắn nhìn thẳng vào những phi lí cuộc đời. Ngay cả sự sám hối, sự giày vò và thái độ đóng kịch của anh chàng Clamence cũng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét