Subscribe

RSS Feed (xml)

Powered By

Skin Design:
Free Blogger Skins

Powered by Blogger

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

LỄ HỘI HỒI GIÁO VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

Lễ hội

 LỄ EID AL-FITR


Lễ Eid al-Fitr ( hay lễ Tiểu Eid ) bắt đầu vào ngày thứ nhất của tháng Shawal, sau khi tháng chay Ramadan chấm dứt. Lễ này được người ta tổ chức khắp nơi trong thế giới Hồi giáo. Đó là ngày hội hè theo đúng nghĩa. Vì lễ này đánh dấu việc chấm dứt mùa chay Ramadan, nên nó luôn là dịp để tổ chức ăn uống, tiệc tùng và các gia đình sum họp cùng nhau giống như ngày Tết Năm mới ở phương Đông.

Vào ngày đầu tiên của lễ Tiểu Eid, buổi sáng tất cả những người đàn ông trong gia đình sẽ đến thánh đường để dự một buổi lễ cầu nguyện đặc biệt. Sau buổi lễ, theo giáo huấn của Mohamed, họ sẽ đến nghĩa trang để thăm mộ thân nhân.

Khi những nghi lễ tôn giáo trang nghiêm này đã xong rồi thì cũng là lúc không khí lễ hội náo nhiệt bắt đầu. Người ta đi thăm họ hàng và bạn bè. Đám trẻ con luôn chờ đón lễ Tiểu Eid, vì đây là lúc chúng được mặc quần áo đẹp và được cho tiền. Các cô dâu mới thường cũng được người ta mừng tiền vào dịp này.

Trong những ngày lễ hội, người ta thường đem những bộ quần áo đẹp nhất ra diện để đi chơi. Đàn ông đội chiếc khăn mới; phụ nữ thì diện nhưng bộ váy áo đẹp nhất của mình. Một số phụ nữ choàng chiếc áo thụng thêu dài trùm đầu đến tận ngón chân mặc cùng cái váy mới đầy màu sắc. Trong khi một số khác lại mặc những chiếc áo dài mới may bằng lụa thêu thùa rất cầu kỳ. Ở các nước vùng sa mạc thì ngay cả đám lạc đà cũng được đeo đầy những đồ trang sức lòe loẹt. Ở các thành phố, đường phố thường đầy nghẹt những người bán hàng rong, mà hàng háo chủ yếu của họ là bánh trái ăn chơi.
Lễ Tiểu Eid giống với lễ Nguyên Đán của phương Đông hơn bất cứ lễ hội nào khác trong thế giới Hồi giáo. Các nhân viên được ông chủ cho tiền thưởng; nhà máy và văn phòng đóng cửa nghỉ vài ngày; thực phẩm và tiền được phân phát cho người nghèo. Trong thời gian lễ Tiểu Eid, người ta thường chào hỏi nhau bằng câu “ Chúc một lễ Eid tốt lành cho bạn ” (Trịnh Huy Hóa: 201 - 202)

LỄ EID AL-ADHA

Lễ hội có tên là Eid al-Adha hay là Đại Eid được toàn thể thế giới Hồi giáo cử hành vào ngày 10 tháng 12. Mọi người, nhất là những người đã được tước hiệu Hadji, mổ súc vật như cừu, dê và lạc đà làm vật hiến tế. Nghi lễ này là để tưởng nhớ việc Abraham đã theo lệnh Allah giết một con cừu làm vật hiến tế thế mạng cho con ông là Ismael.

Giáo huấn của Mohamed tuyên bố rằng gia trưởng của các gia đình phải đích thân đi mua con cừu dành cho lễ hiến tế. Ngày lễ này bắt đầu cũng giống như lễ Tiểu Eid, với việc đàn ông con trai đi dự buổi lễ cầu nguyện đặc biệt ở Thánh đường. Khi trở về nhà họ đưa theo một người để giết mổ con vật nếu họ không định tự mình làm việc đó. Trước khi ra tay, dù là ai thì đều phải nói câu “ Nhân danh Allah”.

Thịt con vật hiến tế, cũng theo giáo huấn của Mohamed, phải được chia ra làm ba phần, một phần cho người nghèo, một phần cho họ hàng và một phần cho gia đình. Bằng lễ hiến tế này người ta khẳng định một cách tượng trưng, rằng vì Thượng đế họ sẵn sàng từ bỏ thậm chí cả những gì quý giá nhất của mình. Đó là một nghi lễ thiêng liêng để tỏ lòng biết ơn Thượng đế và thể hiện lòng nhân đức.

“ Chúc một lễ Eid tốt lành cho bạn ” cũng là lời chào hỏi mà người ta dành cho nhau trong lễ Đại Eid. (Trịnh Huy Hóa: 203 – 204)

NGÀY SINH CỦA MOHAMED


Các tín đồ Hồi giáo kỷ niệm ngày sinh của tiên tri Mohamed vào ngày 12 tháng Rabi ul – Awal. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong thế giới Hồi giáo, với những buổi lễ cầu nguyện và tiệc tùng kéo dài trong nhiều ngày thậm chí nhiều tuần. Ở các gia đình, người ta kể chuyện về cuộc đời Mohamed, về cha mẹ Ngài và về việc Ngài được sinh ra như thế nào. Các vị lãnh đạo tôn giáo trong cộng đồng cũng nhắc nhở các tín đồ về những bổn phận của họ với tư cách là người Hồi giáo.

Người ta tin rằng Tiên tri chết cũng vào đúng ngày này, điều đó càng làm cho ngày lễ thêm phần ý nghĩa, thêm phần quan trọng và trang nghiêm.

Trong hai thế kỷ đầu tiên của đạo Hồi, lễ này không được tổ chức vì người ta không biết được chính xác ngày sinh của Tiên tri. Đến thế kỷ thứ IX, một loạt những truyền thuyết về Tiên tri được chính thức hóa trong Hadith (Sách Tiên tri). Một truyền thuyết về cuộc đời Tiên tri nói rằng rất nhiều sự kiện trọng đại trong cuộc đời Mohamed đã xảy ra vào ngày thứ Hai. Ông tị nạn đến Medina và cái chết của ông đều xảy ra vào thứ Hai. Vì thế các lãnh tụ đạo Hồi thời đó quyết định lấy ngày 12 thứ Hai tháng Rabi ul – Awal làm ngày sinh của Mohamed. Ngày này được tổ chức bằng những nghi lễ cầu nguyện đặc biệt. Đàn ông tụ tập ở Thánh đường địa phương hay đến Thánh đường lớn (Thánh đường ngày thứ Sáu) để nghe vị Imam kể về cuộc đời Mohamed. Phụ nữ cũng tụ tập cầu nguyện ở nhà.

Ở Indonesia, lễ kỷ niệm ngày sinh của Tiên tri được cử hành với một đám rước vĩ đại trên đảo Java. Hai ngày trước lễ kỷ niệm, hàng núi thức ăn cho lễ hội được người ta chuẩn bị tại Cung điện Hoàng Gia. Trong ngày lễ, thức ăn được mang đến các Thánh đường chính trong thành phố, ở đó chúng được ban phúc và phân phát cho mọi người. Người ta tin rằng, ai nhận đựơc một miếng gunungan ( một món đồ ăn hình chiếc bánh ú ) thì ngươi đó nhất định sẽ gặp được vận may, sẽ mạnh khoẻ và được một vụ mùa bội thu. (Trịnh Huy Hóa: 205 - 206)


LỄ MUHARRAM VÀ ASHURA

Với những người Hồi giáo Shi’i, nghi lễ tôn giáo quan trọng nhất là lễ Ashura vào ngày thứ mười đầu năm mới. Đây là thời gian than khóc, kỷ niệm ngày tuẫn đạo vì chính nghĩa Hồi giáo của Husain, con trai của Ali, cháu của Tiên tri Mohamed, trong một cuộc xung dột tôn giáo đã mở đầu cho sự phân liệt giữa phái Shi’i và Sunni. Husain cùng với bảy mươi hai người, vừa người nhà vừa đệ tử, bị giết tại Karbala ngày 10 tháng 10 năm 680. Cái chết của Husain được những người Shi’i làm lễ tưởng niệm trong mười ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Hồi giáo, đó là dịp lễ Muharram.

Trong những ngày này các cộng đồng Hồi giáo Shi’i trên khắp thế giới đều biểu lộ một nhiệt huyết tôn giáo cao độ. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, những chiếc kều bạt màu đen được dựng trên các con phố với các binh khí vá các ngọn nến tưởng niệm để nhắc nhở khách qua đường những người tử đạo. Vào ngày đầu tiên của lễ Muharram, các tín đồ mộ đạo ngừng việc tắm rửa và cạo râu. Câu chuyện về Husain được kể lại một cách sống động tại bục giảng kinh trong các nhà lều; người nghe đáp lại bằng những giọt nước mắt tràn trề và những tiếng khóc than rên rĩ. Các đám rước được tổ chức ở tất cả những vùng nào có đông các tín đồ Shi’i.

Cao trào tưởng niệm về cái chết của vị anh hùng này là vào ngày thứ mười của lễ Muharram, được coi là Ashura. Trận đánh ở Karbala và cái chết của Husain được người ta diễn lại một cách đầy màu sắc với những kỵ sĩ cưỡi ngựa mặc trang phục nhẹ tấn công lẫn nhau, chém vào người nhau với những thanh kiếm gỗ. Đám đông ngày càng kích động hơn; cuối cùng Husain được đưa ra và người ta chứng kiến cảnh ông mộ đạo thực hiện như một hành động cùng chịu đựng khổ nạn với thánh Husain.

Phái Sunni kỷ niệm ngày mất của Husain ít kịch tính hơn. Trong mười ngày đầu của tháng Muharram, tất cả các hình thức giải trí vui chơi công cộng kể cả đàn ca đều phải dẹp bỏ. Lễ Ashura cũng là một ngày ăn chay nhưng không bắt buộc. (Trịnh Huy Hóa: 206 - 207)bị kẻ thù độc ác hành hạ, cuối cùng ông bị chặt đầu. Cảnh tượng gây ấn tượng kịch tính nhất cùa ngày hôm đó là màn tự hành hạ mình bằng roi do những người



HAJJ - HÀNH HƯƠNG ĐẾN THÁNH ĐỊA MECCA

Thánh Địa Mecca

Mecca nằm tại một thung lũng cát nóng bức ở miền Trung Tây Ả Rập Xê út. Thung lũng này không thích hợp cho việc trồng trọt, nhưng nó án ngữ trên tuyến đường lạc đà chính từ vùng bình nguyên Ả Rập đến Syria, và ở đó có đủ nước để cung cấp cho những thương đoàn qua sa mạc. Điều đó cùng với sự hiện diện của Kaaba đã giải thích tại sao thành phố vĩ đại và giàu có này lại phát triển tại một địa điểm không thuận tiện như thế.

Mecca đã là một trung tâm thương mại và là một thành phố thiêng liêng từ lâu trước khi Mohamed sinh ra. Nhưng từ khi trở thành trung tâm của thế giới Hồi giáo thì cuộc sống kinh tế của Mecca hoàn toàn lệ thuộc vào vai trò thần thánh của nó. Sau Thế chiến thứ hai, Mecca trở thành thành phố của Ả Rập Xê út.

Trong thời gian diễn ra cuộc hành hương, chỉ có những người Hồi giáo mới được vào thành phố thiêng liêng này.

Theo đức tin Hồi giáo thì Mecca chính là trung tâm của thế giới, là nơi khởi đầu của sự sáng thế. Kaaba ngày nay nằm ở trung tâm của ngôi Đại Thánh đường Hồi giáo ở Mecca, và cũng là tâm điểm của tất cả các buổi cầu nguyện. Tất cả các thánh đường Hồi giáo trên thế giới đều có cái hốc nhỏ ẩn trong tường để chỉ hướng cho các tín đồ quay mặt về Mecca; hay tại các phòng khách sạn ở thành phố Hồi giáo, trên trần nhà thường có vẽ một mũi tên. Mũi tên đó là để chỉ hướng Mecca cho những ai muốn cầu nguyện một mình trong phòng. Chỉ riêng Thánh đường này, vì nó nằm ở điểm trung tâm bao quanh Kaaba, hay Ngôi đền Thiêng, đứng ở ngay chính giữa, cho nên nó không có cái hốc nào cả. Kaaba được che phủ bằng những tấm vải màu đen và vàng, và có cửa ra vào dát vàng rất hiếm khi được mở ra. Bao quanh Kaaba là sàn bằng đá cẩm thạch dành cho những người hành hương đi vòng quanh ngôi đền, còn phía ngoài sàn là cái sân rộng cho các tín đồ cầu nguyện.

Trong Kaaba không có một thứ đồ vật gì ngoài một vài ngọn đèn. Nhưng đối với những người Hồi giáo thì ngôi đền rất đỗi thiêng liêng bởi sự trống trãi của nó. Người ta nói Kaaba đựơc làm theo hình mẫu Ngôi nhà của Thượng đế ở trên Thiên đàng, bao quanh ngôi nhà đó là các thiên thần giống như các tín đồ trên mặt đất vây quanh Kaaba.

Truyền thuyết đạo Hồi nói rằng Mecca nằm gần Thiên đàng hơn bất kỳ một nơi nào khác trên mặt đất, vì vậy Thượng đế ở trên Thiên đàng có thể nghe thấy rất rõ những lời cầu nguyện của các tín đồ tại đây. (Trịnh Huy Hóa: 71)

GIÁO LUẬT HỒI GIÁO

Dù kinh Koran có khó đọc và khó hiểu đối với những người không theo đạo Hồi thế nào đi nữa, nhìn chung giáo lý Hồi giáo khá đơn giản đó chính là sự tôn thờ Thượng đế và hoàn toàn tuân phục Ngài. Có thể nói rằng thế giới Hồi giáo mang tính cộng đồng rất rõ nét, và yếu tố tạo nên tính cộng đồng này chính là đức tin vào Allah và những luật tục mà mỗi tín đồ phải thực hiện hàng ngày. Mỗi một tín đồ phải thực hiện năm bổn phận quan trọng thường được gọi là Năm cột trụ của đạo Hồi hay còn gọi là Năm cốt đạo. Đó là:

2.1.3.1. Shahadah – Xác Nhận Đức Tin

Các tín đồ Hồi giáo phải tuyên xưng đức tin của mình rằng chỉ có một Thượng đế duy nhất, và Mohamed là tiên tri và sứ giả của Ngài. Niềm tin rằng Mohamed là tiên tri và là sứ giả của Thượng đế chính là cái phân biệt đạo Hồi với đạo Do Thái và Thiên Chúa, là những tôn giáo cũng tin vào một Thượng đế duy nhất như đạo Hồi. Việc xác tín Mohamed là tiên tri cuối cùng và được thượng đế ủy thác là điều kiện đảm bảo cho tính thiêng liêng xác thực của kinh Koran.

Đức tin Hồi giáo được thể hiện qua tín điều đầu tiên mà mọi tín đồ đều phải đọc to lên mỗi khi cầu nguyện “ Không có chúa trời nào khác ngoài Allah và Mohamed là Rasul ( tiên tri hay sứ giả ) của Ngài”. Tuyên bố này trong lời vắn tắt đã tổng kết đức tin giản dị của đạo Hồi. (Trịnh Huy Hóa: 51 – 52)

2.1.3.2. Salat – Cầu Nguyện

Mỗi ngày năm lần, tâm trí và trái tim của những người Hồi giáo mộ đạo lại rời bỏ tất cả mọi công việc mà họ đang làm để quay sang cầu nguyện Thượng đế, đó là những thời điểm sau đây:

- Lần thứ nhất, vào lúc sáng sớm (5h sáng)
- Lần thứ hai, lúc giữa trưa hay đầu giờ chiều (12h30)
- Lần thứ ba, buổi xế chiều (15h30 – 16h)
- Lần thứ tư (18h30)
- Lần thứ năm, vào ban đêm (19h30)

Nếu các tín đồ không thể cầu nguyện vào những giờ giấc kể trên thì họ có thể làm công việc đó vào bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ đó cho đến lúc cầu nguyện lần sau.

Trước khi cầu nguyện, các tín đồ phải giữ cho mình được sạch sẽ tinh khiết, bằng cách tẩy rửa theo nghi thức: đôi tay được rửa trước tiên rồi làm sạch miệng bằng cách súc miệng và nhổ nước bọt. Tiếp theo là rửa mặt rồi cánh tay từ khuỷu tay trở xuống; họ dấp nước lên đầu và chải tóc; cuối cùng là đôi chân được rửa sạch từ bàn chân lên đến mắc cá. Tất cả các công việc đó được lặp lại ba lần theo một trình tự nghiêm ngặt và luôn bắt đầu từ bên phải. Ở các Thánh đường và trong hầu hết các gia đình đều trữ sẵn nước trong các bể chứa, các lu vại hay vòi nước để dành cho mục đích này; người ta cũng có thể tẩy rửa trong một hồ nước nhỏ. Nếu không có nước thì có thể thay thế bằng cát.

Ngoại trừ những nơi ô uế, bẩn thỉu như nghĩa địa, lò sát sinh…người ta phải cầu nguyện ở một nơi sạch sẽ, vì thế nên đa số tín đồ Hồi giáo hay mang theo những tấm thảm nhỏ khi ra ngoài, họ có thể trải ra để dừng chân cầu nguyện. Ăn mặc cần phải khiêm tốn; đối với phụ nữ, điều đó có nghĩa là thân thể phải được che kín toàn bộ chỉ trừa khuôn mặt, hai ban tay và bàn chân. Giày dép phải bỏ bên ngoài Thánh đường. Người Hồi giáo cũng rất cẩn thận không đụng vào những thứ dơ bẩn trước và trong khi cầu nguyện. Nếu người đàn ông chạm vào một vật dơ bẩn hay một người khác phái, hay vừa vào nhà vệ sinh…thì họ phải lặp lại toàn bộ nghi thức tẩy thể từ đầu. Phụ nữ đang trong kỳ kinh không được đi vào khu vực Thánh đường khi mọi người đang cầu nguyện.

Trong Thánh đường, các tín đồ chào nhau một cách long trọng. Khi cầu nguyện, các tín đồ xếp hàng ngay ngắn và quay mặt về hướng thánh địa Mecca. Buổi cầu nguyện mở đầu với lời tuyên đọc của vị chủ lễ câu Allahu – akbar nghĩa là Thượng đế vĩ đại. Việc cầu nguyện bắt đầu với tư thế đứng thẳng người của các tín đồ, hai bàn tay để ngửa và giơ ra phía trước, còn trong lúc cầu nguyện thì tín đồ quì gối và úp mặt xuống đất. Họ cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập chứ không phải bằng ngôn ngữ bản địa của tín đồ.

Người ta có thể cầu nguyện một mình ở nơi mà họ đang có mặt vì Allah có ở khắp mọi nơi, nhưng các tín đồ Hồi giáo luôn thích cầu nguyện theo nhóm và Thánh đường là nơi lý tưởng để cầu nguyện thành nhóm như thế. Vào buổi cầu nguyện trưa ngày thứ Sáu, các tín đồ buộc phải đến Thánh đường. Nó thể hiện một sự thống nhất và tận tụy của thế giới Hồi giáo. (Trịnh Huy Hóa: 52 – 55)

2.1.3.3. Zakat – Bố Thí Cho Người Nghèo

Tín đồ Hồi giáo phải thực hiện bổn phận bố thí với hai lý do. Một là, xuất phát từ quan niệm cho rằng của cải, tiền bạc chỉ là những phương tiện cần thiết nhất thời, tạm bợ nhưng dễ cám dỗ và làm cho con người xấu xa. Hai là, mọi tín đồ đều phải ý thức mình thuộc một cộng đồng Hồi giáo và phải có trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ nhau. Vì vậy, mục đích của việc bố thí là nhằm trong sạch hóa những của cải làm ra – do Allah mà có – bằng cách trích một phần tương xứng để tương trợ những người nghèo khổ cần được giúp đỡ. Có hai hình thức bố thí:

 Bố thí của cải làm ra: như vàng, bạc, tiền do buôn bán, thú vật chăn nuôi, thực phẩm… Việc bố thí của cải được qui định cụ thể trong thánh kinh. Con số thông thường là 2,5 phần trăm thu hoạch hàng năm. Những người giàu có được khuyến khích cho nhiều hơn. Những ai cho nhiều hơn số lượng qui định được coi là một sadagah, tức là người thiện tâm.

 Bố thí lương thực vào cuối tháng Ramadan: thường thì tín đồ phải bố thí ba kí lô gam lương thực.

Cũng theo kinh Koran, những người sau đây được hưởng của bố thí và tất nhiên đó là các tín đồ Hồi giáo:

+ Người bần cùng, thiếu ăn, thiếu mặc
+ Người gặp hoàn cảnh khó khăn
+ Người được tập thể chỉ định đi thu góp của bố thí để phân phối lại
+ Người mới vào đạo
+ Các nô lệ muốn chuộc lại sự tự do
+ Người mắc nợ vì đạo
+ Người đi thánh chiến không lãnh lương
+ Khách vãng lai gặp khó khăn

Trong nhiều thế kỷ, hầu hết món tiền Zakat của mỗi nước được dùng để cung cấp những khoản chu cấp đặc biệt cho các trường học và bệnh viện, để giúp người nghèo, để sửa chữa các Thánh đường và để tài trợ cho các hoạt động từ thiện khác. Trong những năm gần đây, một số chính phủ ớ các nước Hồi giáo đã đưa khoản Zakat này vào hệ thống thuế của mình, và khoản lợi tức này vẫn còn được dùng cho các chương trình phúc lợi xã hội. (Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng – 1998 :418)


2.1.3.4. Sawm – Nhịn Ăn

Bổn phận nhịn ăn trong tháng Ramadan, tức tháng Chín Hồi lịch – tháng mà Mohamed đã được thiên khải lần đầu tiên. Hồi lịch căn cứ vào chu kỳ mặt trăng nên việc nhịn ăn được bắt đầu khi thấy mặt trăng xuất hiện vào đầu tháng Chín Hồi lịch cho đến khi trăng xuất hiện vào đầu tháng sau. Trong khoảng thời gian đó, tín đồ phải nhịn ăn uống, không được nói điều xấu, kiêng hút thuốc, không được quan hệ vợ chồng từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Vào ban đêm, khi không còn mặt trời, mọi kiêng cử trên đều được bãi bỏ. Người già yếu, phụ nữ có thai, trẻ em được miễn thực hiện việc nhịn ăn. Những người đau yếu, đang đi đường xa có thể tạm hoãn và thực hiện lại vào thời gian thuận tiện sau đó. Trẻ em Hồi giáo thường bắt đầu tập nhịn ăn trong tháng Ramadan từ lúc lên bảy tuổi. Khi đó chúng thường nhịn nửa ngày. Vào độ tuổi lên chín hay lên mười, chúng đã có thể nhịn ăn suốt cả ngày.

Việc nhịn ăn theo giáo luật thật ra chỉ là biểu hiện bên ngoài mà ý nghĩa sâu xa của nó là ở chỗ làm cho con người có một tình yêu thực sự đối với Thượng đế Allah và đối với đồng loại, trước nhất đối với người nghèo khổ, đồng thời biết kiềm chế, từ bỏ những ham muốn vật chất thấp hèn, những thói hư, tật xấu, lòng vị kỷ, tính lừa đảo… Nói chung, việc nhịn ăn trong tháng Ramadan phải được tiến hành song song với ý thức làm điều tốt, tránh điều xấu xa, tội lỗi. (Trịnh Huy Hóa: 63 – 64)


Hành Hương

Bổn phận cuối cùng trong năm bổn phận căn bản của Hồi giáo đó là hành hương đến thánh địa Mecca đối với những tín đồ có đủ điều kiện. Chi phí cho một chuyến hành hương mất khoảng 3000 USD. Những người nhỏ tuổi, người già, người ốm yếu và những người không có đủ điều kiện tiền bạc là những người được miễn nghĩa vụ bắt buộc này. Còn đối với những ai thực hiện được cuộc hành hương thì sự tưởng thưởng sẽ rất lớn, đó không chỉ là được thoả mãn về tinh thần, mà còn là uy tín và sự kính trọng trong xã hội Hồi giáo. Trở lại với cộng đồng quê hương, nhừng người hành hương từ Mecca trở về sẽ được thêm danh hiệu hajji vào tên tuổi của mình nếu là đàn ông, còn phụ nữ sẽ được gọi là hajjah, họ sẽ được chào đón với những nghi lễ long trọng và được tôn kính đặc biệt.

Quá trình hành hương được qui định bằng những nghi lễ rất tỉ mỉ. Khi người hành hương đến được thành phố thiêng liêng này, họ sẽ dừng lại để tách mình ra khỏi the giới thường nhật bằng cách làm lễ tắm gội, giống như trước khi cầu nguyện thường ngày. Sau đó người hành hương mặc bộ trang phục đặc biệt màu trắng; kể từ lúc đó trở đi cho đến khi tất cả các nghi lễ được hoàn tất, người hành hương phải kiêng không được giết người, giết thú vật hay nhổ hái cây cỏ, không được gần phụ nữ và không được cắt tóc hay cắt móng tay.

Khi đến được ngôi đền Kaaba, người hành hương phải hôn Hòn đá Đen linh thiêng, hay nếu không làm được vì quá đông người thì phải sờ tay vào nó hoặc làm động tác hôn. Sau đó, người hành hương phải đi vòng quanh Kaaba bảy lần. Tiếp theo người hành hương phải đi lên đi xuống bảy lần qua một dãy cột ở giữa hai quả đồi cách đó chừng nửa cây số. Nghi kễ này để tưởng nhớ đến việc Hagar phải chạy vòng quanh để tìm nước cho Ishmael.

Sau đó ngưòi hành hương sẽ ra khỏi Mecca để đến Mina, ở đó họ có thể tìm được một góc nhỏ trong thành phố lều khổng lồ; việc một lượng người đông đảo như thế tập hợp nhau lại đây tự nó sẽ cho người hành hương một trải nghiệm hết sức sâu sắc và kỳ lạ về sức mạnh và sự thống nhất của thế giới Hồi giáo. Ngày hôm sau, họ tiến về núi Arafat, họ sẽ đứng ở đó từ giữa trưa cho đến lúc mặt trời lặn. Chính nơi đây, ngồi trên lưng một con lạc đà, Mohamed đã đọc bài thuyết giảng vĩnh biệt trong cuộc hành hương cuối cùng của ông đấn Mecca.

“Điểm dừng ở Arafat” này là màn hoạt động cao điểm của cuộc hành hương và không thể bỏ qua. Đó là sự diễn lại cuộc hội họp nguyên thuỷ của các tín đồ như một quân đội thống nhất. Người ta bảo làm như thế để các tín đồ nhớ đến cuộc tập hợp của tất cả nhân loại trên thế gian trong cuộc phán xét vào ngày tận thế, và cũng là để kỷ niệm lần tập hợp tín đồ đầu tiên do chính Mohamed chỉ huy một cách vô cùng oanh liệt.

Sau khi đã lên đồi Arafat, những nghi lễ cuối cùng thể hiện một đám rước Thánh tích. Trở về Mina, những người hành hương ném đá vào ba cây trụ đá được coi là thể hiện cho ma quỷ, nghi thức này nhắc lại việc quỉ Satan ba lần cố làm cho Ishmael đổi ý nhưng bị cự tuyệt.

Vào ngày cuối cùng của cuộc hành hương, người hành hương sẽ hiến tế một con cừu hay một con dê trên một cánh đồng nào đó; một phần thịt sẽ dành cho người nghèo. Cũng trong ngày đó, trong khắp thế giới Hồi giáo, người ta cũng thực hiện những nghi lễ hiến tế tương tự. Đầu con vật hiến tế được đặt quay về hướng Mecca, và khi một người Hồi giáo cắt cổ con vật, ông ta sẽ nói “Nhân danh thượng đế”. việc làm này là để nhắc lại con cừu đã được dùng để thay cho Ishmael trong lễ hiến tế của Abraham.

Tiếp theo, ở Mecca, người hành hương sẽ cắt tóc. Mái tóc, tự nó là một bằng chứng, sẽ được để lại như dấu hiệu dâng hiến của người hành hương. Anh ta sẽ đi vòng quanh Kaaba bảy vòng lần cuối cùng để giã từ.

Hầu hết những người hành hương sau đó sẽ đi đến Medina, mặc dù điều này không phải là bắt buộc. Tại đây, nơi thành phố thiêng liêng thứ hai của đạo Hồi, họ đến viếng thăm ngôi Thánh đường và lăng mộ của Mohamed. (Trịnh Huy Hóa: 65 – 73)

GIÁO LÝ HỒI GIÁO

2.1.2.1. Kinh Koran

2.1.2.1.1. Nguồn gốc

Giáo lý Hồi giáo được trình bày trong kinh Koran. Tiếng Ả Rập Koran hay Qur’an có nghĩa là “đọc lại”. Theo Hồi giáo, kinh Koran là những lời giáo huấn của Thượng đế cho loài người mà Mohamed cũng như các vị tiên tri trước Mohamed đã được Thượng đế mạc khải. Thực ra kinh Koran là những lời rao giảng của Mohamed cho tín đồ trong những buổi thuyết giảng. Chúng được hình thành trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng 20 năm (từ năm 611 đến năm 632) và được tập hợp lại thành sách 20 năm sau khi Mohamed qua đời.

2.1.2.1.2. Đặc điểm

Kinh Koran được viết theo văn phong nửa văn xuôi nửa thơ. Vì những khải thị của kinh Koran được viết nguyên gốc bằng tiếng Ả Rập, nên tất cả những người Hồi giáo dù có nói tiếng Ả Rập hay không đều cố học thuộc một vài phần trong kinh Koran bằng tiếng Ả Rập. Tiếng Ả Rập trong kinh Koran được coi là thứ ngôn ngữ có khả năng hùng biện mạnh mẽ nhất. Trước đây những người lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo không cho phép dịch thánh kinh Koran ra các ngôn ngữ khác vì sợ sự phiên dịch không thể hiện đầy đủ và đúng đắn những gì mà Thượng đế đã truyền dạy và vì cho rằng tiếng Ả Rập là ngôn ngữ thiêng liêng mà Allah đã chọn. Tiếng Ả Rập do đó là ngôn ngữ chung của cộng đồng Hồi giáo. Mãi cho đến thập niên hai mươi của thế kỷ XX, với cuộc cách mạng sâu rộng của tổng thống Mustapha Kémal trong phạm vi quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, đã cho dịch kinh Koran ra tiếng Thổ. Tại các nước Đông Nam Á, vào những năm sáu mươi, việc chuyển ngữ thánh kinh Koran cũng đã được đặt ra trong các hội nghị Hồi giáo. Gần đây, thánh kinh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ( Anh, Pháp…)

Kinh Koran gồm 114 chương (gọi là Sura), chia thành 6211 câu (gọi là Ayah). Tiêu đề của các chương lấy từ các Ayah trong chương đó.

Các chương trong kinh Koran có độ dài không tương xứng với nhau, có chương rất dài, lại có chương rất ngắn. Trừ chương đầu tiên, các chương còn lại được sắp xếp theo độ dài, từ chương dài nhất đến chương ngắn nhất. Vì gần như tất cả những chương ngắn hơn lại được khải thị sớm hơn về thời gian, nên trật tự sắp xếp của cuốn kinh hầu như hoàn toàn ngược lại với trình tự thời gian mà Mohamed tuyên đọc chúng. Điều đặc biệt là các chương có thể tách riêng một cách độc lập và không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau. (Châu Quốc Tuấn - 1994: 249-251)

Tín ngưỡng trong kinh Koran là một tôn giáo độc thần kiên định. Nó thể hiện trong ngày phán xét sẽ đến, trong sự thống trị của Allah đối với vạn vật, trong việc tạo dựng nên thế giới hiện tại cũng như số phận của nó.

2.1.2.1.3. Ý nghĩa

Hồi giáo đặc biệt đề cao ý nghĩa, tính thiêng liêng, vĩnh cửu của kinh Koran coi đó là quyển sách đúng chân lý nhất vì theo họ tất cả những điều về giáo lý, luật lệ, lễ nghi, sự thờ phụng, cách thức hành đạo, điều kiện nhập đạo, các nguyên tắc đạo đức… tóm lại là cả việc đạo lẫn việc đời đều được Thánh Allah giáo huấn, răn dạy cặn kẽ.

2.1.2.2. Những tín điều căn bản.

Giáo lý Hồi giáo bao gồm những quan niệm về thế giới và con người. Giáo lý Hồi giáo chứa đựng những yếu tố của tín ngưỡng nguyên thủy của người Ả Rập, và nhất là của đạo Do Thái và đạo Kitô. Cơ sở giáo lý là niềm tin vào Allah (Thượng đế) và sứ giả Mohamed, vào thiên thần, vào bất tử của linh hồn, vào ngày phục sinh và phán xét, vào Thiên đường, vào địa ngục và sự vĩnh cửu của kinh Koran…

Hồi giáo cho rằng Allah là Thượng đế duy nhất, là đấng kiến tạo và điều khiển mọi sự sinh tồn. Hồi giáo thừa nhận thuyết Sáng thế của Kitô giáo: Thượng đế tạo ra vũ trụ và muôn vật trong sáu ngày, nhưng thứ tự công việc trong sáu ngày tạo tác có thay đổi đôi chút: ngày thứ nhất tạo ra bầu trời, ngày thứ hai tạo ra mặt trời, mặt trăng, các vì sao và gió, ngày thứ ba tạo ra muôn vật và thiên thần ở bảy tầng trời, ngày thứ tư tạo ra nước và xác định là thức ăn của các loài vật, và cũng trong ngày đó, theo lệnh của Thượng đế, các dòng sông bắt đầu chảy, ngày thứ năm tạo ra thiên đường, địa ngục, ngày thứ sáu tạo ra Adam và Eva - thuỷ tổ của loài người. Ngày thứ bảy công việc hoàn thành, cả thế giới bao trùm mọi trật tự và những sự hài hòa không thể phá vỡ đựơc.

Để miêu tả Allah, người Hồi giáo đã dùng nhiều danh từ đẹp đẽ như: “đầu tiên”, “duy nhất”, “vĩnh cửu”, “cao cả nhất”, “siêu việt nhất”, “sức mạnh nhất”, “uy quyền”, “toàn năng nhất”, “nghiêm khắc nhất”, “độ lượng nhất”… Vì họ cho rằng Allah đã chiến thắng và chinh phục được tất cả các thần thánh khác, nên toàn bộ sức mạnh và khả năng của thần thánh đều tập trung trong thượng đế Allah.

Tôn sùng Mohamed là tín điều có tầm quan trọng thứ hai trong giáo lý Hồi giáo. Mohamed được coi là sứ giả của Allah và là Tiên tri của tín đồ. Kinh Koran cho biết trước Mohamed đã có các vị tiên tri, tất cả đều phải đựơc tôn kính hết mực vì tất cả đều cố gắng kêu gọi loài người trở về với Islam, tức là trở về với sự tuân phục Thượng đế. Họ gồm có Abraham, Moses, Ishmael, Idris (Enoch) và Jesus…. Nhưng thông điep hoàn chỉnh cuối cùng được gởi đến cho loài người chính là thông qua Mohamed, người thay thế cho tất cả các tiên tri đã đến từ trước – đó là bản thông điệp tối hậu của Thượng đế. Mohamed có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của tín đồ. Nếu ai nghi ngờ sứ mạng thiêng liêng của Mohamed sẽ bị coi là một trọng tội, không thể tha thứ được, chẳng khác nào nghi ngờ sự tồn tại của Allah.
Hồi giáo cho rằng con người có hai phần: thể xác và linh hồn; thể xác chỉ là cái vỏ bọc tạm thời, còn linh hồn là bất tử, cuộc sống vĩnh cửu ở thế giới bên kia. Kinh Koran dạy: “ Cuộc sống trần gian chỉ là trò chơi, trò tiêu khiển, là sự phô trương, khoái lạc và sự ganh đua về của cải, con cái”… “chỉ có trong tương lai, cuộc sống nơi thiên đàng, con người mới có căn nhà để lưu lại mãi mãi”.

Quan niệm của Hồi giáo về sự bất tử của linh hồn, sự tái sinh sau khi chết có liên quan đến quan niệm về lòng tin và ngày phán xét, vào thiên đàng, địa ngục…H ồi giáo xem ngày phục sinh, phán xét là kết thúc cuộc sống của loài người trên trần gian, ngày gặp gỡ của mọi thế hệ trước Thượng đế Allah. Ngày đó mọi người đều có quyển sách ghi rõ công, tội, thiện, ác đã làm khi còn sống. Allah sẽ hỏi từng người, cân đo từng việc làm để được bước lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Lúc đó các tín đồ Hồi giáo sẽ được thiên sứ Mohamed đứng ra che chở cầu xin Thượng đế để tha tội, nếu họ là kẻ ngoan đạo.

Thiên đàng, địa ngục của Hồi giáo được miêu tả có bảy tầng. Ở địa ngục có đủ loại phương tiện cần thiết để tra tấn, hành hạ kẻ có tội. Nếu như tả địa ngục bằng màu đen với những phương tiện tra tấn hành hạ kẻ có tội, thì thiên đàng được Hồi giáo miêu tả bằng những âm sắc tươi sáng, rực rỡ. Đó là một ngôi vườn thật đẹp, râm mát với những suối sữa, suối mật, những bộ quần áo bằng tơ lụa mượt mà… Ở thiên đường, mỗi năm tín đồ được giành cho một cô gái tuyệt mỹ, mắt đen da trắng mịn màng. Những cô gái này luôn sẵn sàng đem đến cho các tín đồ tình cảm dịu dàng, âu yếm. (Châu Quốc Tuấn - 1994: 250 – 253)

CÁC HỆ PHÁI HỒI GIÁO

Hồi giáo là một tôn giáo sớm xuất hiện sự chia rẽ nội bộ. Chẳng bao lâu sau cái chết của Mohamed, cuộc tranh chấp quyền hành đã diễn ra gay gắt giữa những người đứng đầu làm nảy sinh những phe nhóm khác nhau trong Thế giới Hồi giáo.

Hồi Giáo Sunni

Sunna (phái Sunni) có nghĩa là “ con đường quen đi ”, ý muốn nói đến sự thống nhất giữa luật lệ với thực tiên xã hội, cũng như nói đến việc quyết định các vấn đề giáo sự dựa trên sự bàn bạc và đồng thuận. Với phái Sunni thì quyền lực xuất phát từ sự nhất trí của cộng đồng. Đó là một truyền thống được hình thành để hòa giải những khác biệt và sai lệch bên trong cộng đồng Hồi giáo mà những lời nói của Mohamed thường được các tín đồ dẫn ra như một tiền lệ: “ Những khác biệt về ý kiến trong cộng đồng của ta là điều nên khoan dung ”.

Ngày nay, phái Sunni chiếm đại đa số khoảng 75 - 80%. Mặc dù có một số người vẫn còn luyến tiếc chế độ các caliph trong quá khứ, nhưng Hồi giáo Sunni ngày nay mang tính chất tự trị trong từng quốc gia Hồi giáo. Còn cac vương quốc của Ả Rập Xê út có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những thành phố thánh Mecca và Medina, một chức năng thuộc về các caliph ngày xưa.

Với Sunni, thẩm quyền cao nhất là luật Hồi giáo theo chỉ dẫn của kinh Koran. Luật này không phải do một cá nhân nào đó diễn giải, mà là từ sự nhất trí của những người có học vấn, những người đưa ra các phán quyết của họ dựa trên chỉ dẫn của kinh Koran và Hadith ( sách Tiên tri ) và bằng phép loại suy ( so sánh những trường hợp tương tự ). Tinh thần chung của luật Hồi giáo theo Sunni là nhấn mạnh đến Năm Cột Trụ của đức tin Hồi giáo và một nghi thức thờ phụng khá coi trọng hình thức. Luật lệ của phái Sunni có xu hướng nhấn mạnh vào việc đặt toàn bộ cụôc sống của tín đồ dưới ý chỉ của Thượng đế và những chỉ dẫn trong kinh Koran. (Trịnh Huy Hóa: 78 – 79)

Hệ Sunni có bốn Madhahab ( Trường phái Giáo luật chánh yếu )khác biệt nhau đôi chút trong các diễn dịch giáo luật. Bốn Madhahab Sunnah là: Hanafy, Maliky, Shafi’y, Hanbaly. (Dohamide Abu Talib (biên dịch) – 1996: 277-278)

• Madhahab Hanafy

Có ảnh hưởng tại các cộng đồng Muslim các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan… với vị Imam là Abu Hanifa al-Mu’man ibn Thabit, sinh năm 80 niên lịch Hijrah nhằm 699 T.L và mất vào khoảng năm 767 T.L, trung tâm hoạt động ở vùng Kufa. Căn bản lập luận loại suy của Abu Hanifa gọi là qiyas là Thiên kinh Qur’an, chỉ chấp nhận Hadith khi nào hoàn toàn thoả mãn về tính xác thực của Hadith. Imam Abu Hanifa là người đầu tiên hướng sự chú ý về giá trị lớn lao của Thiên kinh Qur’an hay là lý luận loại suy trong giáo luật.

• Madhahab Maliky

Phát triển ảnh hưởng tại các vùng Tây Phi Châu và Bắc Phi Châu, với vị Imam là Maliky ibn Anas, sanh năm 93 niên lịch Hijrah nhằm năm 713 T.L tại Ả Rập Saudi, đã làm việc và mất năm năm 82 tuổi. Công trình của Maliky hoàn toàn giới hạn trong các Hadith sưu tầm được tại Medina. Muwatta là quyển sách đầu tiên sưu tập Hadith và là một trong những quyển tục lệ và Sunna có thẩm quyền nhất.

• Madhahab Shafi’y

Phát triển ảnh hưởng tại Indonesia, Ai Cập, Malaysia, Brunei, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam… được đặt dưới quyền lãnh đạo của Imam Muhamad ibn Iđris al-Shafi’y, sanh tại Palestine năm 150 niên lịch Hijrah tức 767 T.L, đã sống tuổi thanh niện tại Mecca nhưng làm việc lâu năm nhất tại Ai Cập và đã mất tại đây năm 204 Hijrah. Thuở đó không ai có thể vượt qua Muhamad ibn Iđris al-Shafi’y về hiểu biết thiên kinh Koran và đã khổ công nghiên cứu Sunna, đi chu du từ nơi này sang nơi khác để sưu tầm tài liệu và dữ kiện. Madhahab shafi’y do đó đã được đặt trên cơ sở chánh yếu là Sunni và có điểm lợi là Hadith sử dụng có tính rộng rãi hơn và được sưu tầm từ nhiều trung tâm khác nhau, trong khi Imam Maliky chỉ dựa vào những điều tìm được ở Medina mà thôi.

• .Madhahab Hanbaly

Phát triển ảnh hưởng chủ yếu tại Ả Rập Saudi, dưới sự lãnh đạo của Imam Ahmad ibn Hanbal sanh tại Baghdar ( nước Irắc) năm 164 niên lịch Hijrah và mất ở đó năm 241 Hijrah. Phạm vi sưu tập của Imam Hanbal cũng có quy mô rộng rãi và công trình nổi tiếng là về Musnađ, chứa đựng nhiều Hadith. Sưu tập của Imam Ahmad ibn Hanbal không xếp theo đề tài mà lại xếp theo tên các Sahabah của Nabi liên hệ đến Hadith. Trong khi hệ thống Abu Hanifa áp dụng lý luận rất phóng khoáng và tìm quy nạp các vấn đề từ thiên kinh Koran bằng suy luận thì hệ thống Imam Ahmad ibn Hanbal rất dè dặt thận trọng dùng lý luận và phê phán.

Mặc dù có các Madhahab khác nhau về giáo lý và thần học, thẩm quyền sau cùng đối với người Muslim Sunni vẫn là sự diễn dịch thiên kinh Koran và Hadith. Điều này trái ngược với hệ Shi’i, trên cơ ban dựa vào các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ là các vị Imam để có sự dẫn dắt dứt khoát.

2.1.1.4.2. Hồi Giáo Shi’i

Phái Shi’i chủ trương kế vị Mohamed phải là người thuộc dòng dõi Tiên tri. Đó là các Imam, tức là những chủ tế hay thầy giảng có thẩm quyền và được thánh chỉ của đạo Hồi để dẫn dắt các tín đồ. Imam đầu tiên là Ali, con rễ của Mohamed, và sau ông là Hussan, con trai trưởng của Ali, sau Hussan là Husain, con trai thứ hai. Rồi sau đó là chín vị khác cũng thuộc dòng dõi của Tiên tri Mohamed.

Tất cả những Imam này, trừ người cuối cùng, đếu chết một cách bí ẩn, và phái Shi’i cho rằng họ bị giết khi nổi dậy chống lại vương quyền của các caliph. Theo cách nhìn của phái Shi’i thì các caliph của phái Sunni đại diện cho các thế lực tiếm quyền hắc ám, luôn tìm mọi cách để tiêu diệt những phát ngôn viên chân chính ở từng thế hệ thuộc giòng dõi Tiên tri của Thượng đế.

Phái Shi’i danh cho Ali và những hậu duệ của ông một vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng của họ. Họ tin rằng Ali và mười một vị Imam sau đó là những người đặc biệt thích hợp để diễn giải những khải thị của Mohamed và dẫn dắt cộng đồng Hồi giáo, vì họ là hậu duệ của Tiên tri. Còn vị Imam thứ mười ba, Imam Zamah tức Mandi, được những người Shi’i coi là Imam của mọi thời đại. Vị này đã mất tích khoảng năm 873, và phái Shi’i tin rằng Thượng đế đã giấu ông ta đi không cho loài người nhìn thấy. Rồi một ngày nọ ông ta sẽ quay về để dẫn dắt cộng đồng Hồi giáo và mang sự công bằng trả về cho thế giới. Vì thế cũng dễ hiểu là trong lịch sử đạo Hồi cứ lâu lâu lại xuất hiện những người tự xưng mình là Mandi, vị Imam thứ mười ba.(Trịnh Huy Hóa: 80)

Các Chi Phái Shi’i

Khi phong trào Shi’i bắt đầu, nó xuất hiện trên bề mặt như một phong trào vì những động cơ chính trị hơn là tôn giáo. Trạng thái tinh thần những người Shi’i bị chi phối bởi nhiều thế kỷ phải đóng vai trò là nhóm thiểu số bị chèn ép trong đạo Hồi, vì thế không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các phong trào bè phái trong nội bộ đạo Hồi đều là phong trào Shi’i.

Đại đa số những người Hồi giáo Shi’i chấp nhận danh sách tiêu chuẩn về mười hai vị Imam đến trước vị Imam ẩn thân thứ mười ba, và vì thế mà họ được gọi là phái “Mười hai”, hay Ashariyah. Đó là những người Shi’i ở Iran, họ giữ lập trường “ôn hòa” đối với các Imam nói trên. Nhưng một chi tiết nhỏ hơn, được gọi là Ismaili, đôi khi còn đựơc gọi là phái “Bảy vị”, vì họ chỉ chấp nhận bảy vị Imam đầu tiên và không công nhận tư cách Imam cua những vị còn lại. Phái “Mười hai” cho rằng con trai út của vị Imam thứ sáu được thừa kế chức vị của cha vì con cả Ismail đã phạm tội uống rượu. Nhưng phái Ismaili khẳng định rằng quyền kế vị đã đựơc chuyển cho Ismail, và tuyên bố ông ta là vị Imam hiện thân cuối cùng, nhưng con trai ông là Muhammad at – Tamm sẽ trở lại với tư cách là Mahdi, vị Imam hiện đang ẩn thân. Phái Ismaili có cách nhìn lịch sử theo kiểu chu kỳ, và họ coi tất cả những tôn giáo đại chúng đang tồn tại đều có liên hệ với nhau.

Lịch sử Ismaili rất đáng quan tâm, vì nó chứng tỏ một thái độ xã hội cực đoan sinh ra từ phái Shi’i có thể chuyền từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa cuồng tín, và từ chủ nghĩa vô chính phủ sang chủ nghĩa chuyên chế dễ dàng như thế nào. Vào thế kỷ thứ chín một nhóm tín đồ Ismaili gọi là những người Qarmati xuất hiện Irắc và Bahrain. Những người Qarmati sống cuộc sống theo kiểu công xã, mọi thứ đều là của chung và mỗi người vì mọi người.

CUỘC ĐỜI TIÊN TRI MOHAMED


Mohamed là người thành phố Mecca, miền Trung Tây Ả Rập. Ông sinh năm 571. Mohamed mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông nội và sau đó là ông chú nuôi nấng. Từ bé Mohamed đã phải đi chăn gia súc thuê và dẫn đường cho những thương khách băng qua sa mạc để kiếm sống.

Tuy không được học hành tử tế, nhưng ông tỏ ra rất khôn ngoan, thông minh và giàu nghị lực. Năm 25 tuổi, Mohamed đến giúp việc cho một góa phụ giàu có tên là Khadija. Bà Khadija rất yêu quý người làm công trẻ tuổi này, và chẳng bao lâu bất chấp sự chênh lệch tuổi tác (Mohamed 26 tuổi, bà Khadija 40 tuổi), Mohamed cưới Khadija làm vợ. Đó là người vợ đầu tiên của ông. Sau cuộc hôn nhân mà Mohamed cho là rất thành công, Mohamed có sự độc lập, ổn định về vật chất và tinh thần. Về phần mình, bà Khadija rất trung thành với Mohamed và chính bà đã gây nhiều ảnh hưởng trong đời sống tôn giáo của Mohamed.

Với bản tính hay suy tư, say lý tưởng, mặc dù sống trên đống vàng, nhưng Mohamed vẫn mãi mê tìm hiểu thế giới và con người, nhất là về đời sống tâm linh. Trong khi buôn bán, Mohamed có điều kiện tiếp xúc với nhiều người theo Do Thái giáo và Kitô giáo. Họ đã nói đến Thượng đế duy nhất và Mohamed bị lôi cuốn vào thuyết thờ nhất thần. Đồng thời ông cũng dằn vặt, khổ tâm về những hành động thiếu đạo đức và nhất là cảnh bóc lột đồng loại để làm giàu một cách tàn nhẫn của một số người. Theo gương các nhà ẩn tu Kitô giáo sống trên sa mạc, Mohamed tìm đến hang Hira ở gần Mecca để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Mohamed cho rằng mỗi dân tộc phải có một tiên tri của mình và ông là tiên tri của người Ả Rập.

Theo truyền thuyết, vào năm 611, khi đang một mình suy ngẫm trong hang, ông thấy tổng lãnh thiên thần Gabrien hiện ra trước mặt và nói “Mohamed, ông được Thượng đế chọn làm sứ giả của Người”. Khi Mohamed hỏi thiên thần xem mình phải noi gì, thì thiên thần đáp: “Hãy nói: Nhân danh Thượng đế của các ngươi, hãy nói: Thượng đế của các ngươi là Đấng khoan dung nhất, Người đã dạy bằng ngòi bút, dạy con người điều mà họ không biết” Mohamed còn được thần khải nhiều lần nữa trong những năm còn lại của cuộc đời ông. (Trịnh Huy Hóa: 22)

Thoạt đầu Mohamed vừa lo vừa sợ và không tin vào những gì xảy ra với ông. Nhưng vợ ông, bà Khadija đã cổ vũ và ổn định tư tưởng cho ông. Sau một thời gian do dự, Mohamed bắt đầu đi thuyết giảng đức tin trong công chúng. Ông rao giảng những tư tưởng về sự bình đẳng, lòng nhân từ, phê phán việc thờ phụng thần tượng. Mohamed đã kêu gọi người dân thành Mecca hãy nghe theo lời dạy của Thượng đế, hãy chấp nhận một Thượng đế độc tôn, nhưng những cố gắng của ông không mấy thành công.

Hồi giáo ra đời ở Mecca nhưng nó không được chấp nhận bởi các bộ lạc ở đó, vì một mặt những người cầm đầu các bộ lạc, các chủ nô giàu có sợ rằng việc truyền bá Hồi giáo sẽ phá vỡ việc thờ phụng các thần thánh địa phương mà việc này liên quan chặt chẽ đến việc buôn bán, kinh doanh; mặt khac những người lao động thất vọng vì tín ngưỡng mới – Hồi giáo không đáp ứng được nguyện vọng trước mắt của họ, chỉ hứa hẹn chung chung về sự giải thoát ở thế giới bên kia.

Trước tình hình đó, Mohamed và nhóm Hồi giáo ít ỏi phải lánh sang Medina. Tại đây đánh dấu sự bắt đầu của những hoạt động vận động dân chúng trên quy mô lớn của Mohamed.

Ơ Medina, với tư cách là một nhà Tiên tri, Mohamed dần dần trở thành một nhà ngoại giao chuyên hòa giải những xung đột giữa các bộ lạc. Ông liên minh với những bộ lạc láng giềng để đem lại sự ổn định cho vùng này và thúc ép người dân chấp nhận giáo lý Hồi giáo. Người ta nghe ông và tin theo tín ngưỡng của ông. Dần dần ông đã thành lập nên một cộng đồng Hồi giáo với hệ thống chính quyền, luật pháp và các thể chế riêng. Trong khoảng thời gian đó, Mohamed còn được Thượng đế thần khải nhiều lần nữa, nhiều trong số những lần đó là về những luật lệ tổ chức xã hội của người Hồi giáo.

Chính ở Medina, Mohamed có điều kiện để củng cố tôn giáo và phát triển nó lên rất nhanh. Nhưng Mecca vẫn tiếp tục chống lại tôn giáo mới của Mohamed và giữa hai thành phố đã xảy ra nhiều cuộc chiến. Mục tiêu sâu kín nhất của Mohamed là biến Mecca trở thành thủ đô thiêng liêng của đạo Hồi. Người của Mohamed đã thực hiện cụôc viễn chinh thành công chống lại thương đoàn lạc đà của Mecca ở Baghdar vào năm 624. Vào năm 630, Mohamed cùng các tín đồ hành quân tiến chiếm Mecca. Ông vào Kaaba và đập bỏ hết các tượng thần được thờ phụng ở đó, biến nó thành đền thờ Thượng đế như thời Abraham đã xây nó lên. (Abraham nằm mơ thấy Thượng đế ra lệnh cho mình rời khỏi xứ Palestine để đến một nơi mà Thượng đế đã dành cho con cháu của ông. Ông đã làm theo lời Thượng đế, cùng với vợ là Hagar và con trai là Ismael lập tức lên đường. Một hôm, Hagar bị lạc trong sa mạc cùng với Ishmael, và bà tuyet vọng chạy khắp nơi để tìm nước uống cho con. Rồi bà bỗng thấy một cái giếng hiện lên ngay cái chỗ mà Ishmael dậm gót chân xuống cát. Sau đó, Abraham vâng theo lệnh của Thượng đế đã xây dựng một ngôi đền có hình khối vuông ở Mecca – đó là đền Kaaba – với sự giúp sức của con trai Ishmael. Ở một góc của Kaaba có đặt khối đá đen do thiên sứ Gabrien mang từ trên trời xuống.

Một lần, Thượng đế ra lệnh cho Abraham hiến tế con trai Ishmael cho Ngài. Trên đường đi đến nơi hiến tế, quỷ Satan đã ba lần hiện ra trước mắt Ishmael và cố gắng xúi bẩy cậu khước từ yêu cầu của cha, nhưng Ishmael vẫn giữ vững đức tin. Khi Thượng đế thay rõ sự trung thành của Abraham, Ngài tỏ lòng thương xót và cử thiên thần mang một con cừu xuống để làm lễ hiến tế thay cho con trai ông. )
Những người Mecca cuối cùng cũng đồng ý chấp nhận đạo Hồi, và đền Kaaba trở thành trung tâm của sự thờ phụng Hồi giáo từ ngày đó. Với thành phố Mecca thần thánh làm hậu thuẫn, ông tiến hành công cuộc chinh phục các bộ tộc Ả Rập, chẳng bao lâu sau những bộ tộc chính trong thế giới Ả Rập đã cải theo đạo Hồi. Và lần đầu tiên trong lịch sử, các bộ tộc Ả Rập được liên kết lại với nhau trong cùng một bổn phận với một tôn giáo và một Thượng đế.

Nhờ biết kết hợp tài ba giữa ngoại giao và quân sự, Mohamed đã thống nhất toàn bộ Ả Rập dưới lá cờ đạo Hồi. Ông là một anh hùng có sức lôi cuốn của thời vận, ông qua đời năm 632 trong những giờ khắc vinh quang chói lọi của đời mình.

Hồi giáo là một tôn giáo lớn thứ hai trên Thế giới sau Công giáo. Tính đến năm 2006 có đến hơn một tỉ hai tín đồ, có mặt ở hơn 50 nước của tất cả các châu lục, trong đó có một số khu vực tập trung đông tín đồ như Trung Cận Đông, Bắc Phi, Đông Nam Á, Trung Á… riêng Đông Nam Á hơn ba phần năm dân số theo Hồi giáo (Indonesia là quốc gia có số lượng tín đồ đông nhất).

SƠ LƯỢC VỀ HỒI GIÁO THẾ GIỚI - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

ISLAM nghĩa là gì?

Islam là một từ ngữ Ả Rập, với tính cách là một tôn giáo, Islam thể hiện sự tuân phục và vâng mệnh hoàn toàn đối với Allah- Thượng đế của toàn vũ trụ. Khi nhìn bầu trời, khảo sát những thực thể trong vũ trụ, chúng ta thấy mọi vật đều hoạt động theo một qui luật nhất định. Mặt trời, mặt trăng và tất cả các thiên thể chuyển động đều tuân theo một trật tự. Tóm lại, thế giới của chúng ta là một thế giới hoạt động nhịp nhàng theo qui luật đã vạch sẵn. Đó chính là các qui luật vô biên của Thượng đế. Một người đi theo Islam được gọi là Muslim. Mặt trời, mặt trăng, trái đất và mọi tinh tú trên trời là những “Muslim” cũng như tất cả đất đá, sinh vật, cây cỏ… đều là Muslim vì đã sinh tồn tuân theo luật lệ mà Thượng đế đã hoạch định cho chúng. (Habib – Từ Công Nhượng (biên dịch) - 1996: 1-2)

Tên gọi đạo Hồi và người Hồi giáo ở Việt Nam xuất xứ từ cách gọi của người Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi đạo Islam bằng cái tên “ đạo Hồi ” theo tên của dân tộc Hồi Hồi ( hay Hồi Hột ), một dân tộc mà hầu như toàn bộ người dân theo tôn giáo này. Đây là một dân tộc thiểu số sống ở vùng Tây Bắc Trung Quốc giáp với các nước Cộng hòa Trung Á và Afghanistan.

Sự ra đời

Hồi giáo xuất hiện ở bán đảo Ả Rập vào đầu thế kỷ VII sau Công Nguyên. A Rập khi đó còn là một xã hội bộ lạc và khá lạc hậu so với những vùng đất xung quanh. Hầu như mỗi bộ lạc Ả Rập đều có những thần thánh riêng của mình, được thờ phụng dưới hình thức những pho tượng, những hòn đá và cái cây.


Click the image to open in full size.
Một cảnh tượng hoành tráng. Đông đảo tín đồ Hồi giáo đã có mặt chật kín quanh nhà thờ Kaaba nằm trong quần thể Nhà thờ lớn ở thánh địa Hồi giáo Mecca trong dịp lễ Ramadan. Dù khu nhà thờ rất rộng nhưng có thể thấy là các tín đồ phải chen vai thích cánh vì quá đông.


Click the image to open in full size.

Sự ra đời của tôn giáo này đã được thúc đẩy bởi một loạt nguyên nhân kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng, gắn liền với sự chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp và yêu cầu thống nhất các bộ lạc trong bán đảo Ả Rập thành một nhà nước phong kiến thần quyền.

Vào đầu thế kỷ VI, tại vùng bán đảo Ả Rập, nằm giữa châu Phi và châu Á, nơi mà cư dân chủ yếu là người Ả Rập Bê–doanh ( nghĩa là “dân sa mạc”), sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, đã diễn ra những biến đổi quan trọng. Đó là việc hình thành con đường buôn bán Tây–Đông giữa vùng Địa Trung Hải với Ấn Độ, Trung Quốc đi qua bán đảo Ả Rập. Sự giao lưu đó đã tạo ra sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, hình thành một số trung tâm kinh tế, văn hóa lớn như Mecca, Medina…(Châu Quốc Tuấn (chủ biên) – 1994: 239 – 243)

Click the image to open in full size.

Ở những thành phố này, kẻ có quyền lực đã nhờ vào việc thu thuế trong các đoàn thương nhân đi qua mà trở nên giàu có. Ơ thành phố Mecca có ngôi đền cổ Kaaba được xem là nơi trú ngụ của rất nhiều thần linh, đặc biệt là phiến đá đen linh thiêng được coi là vật thờ chung của người Ả Rập. Vùng đất xung quanh nơi thờ phụng linh thiêng này là một vùng trung lập, tại đây các vị đại diện và các nhà buôn của những bộ tộc đang có chiến tranh với nhau có thể yên ổn gặp nhau trong hòa bình.

Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa đã làm tan rã cơ cấu xã hội của người Ả Rập. Những quan hệ cũ, quan hệ thị tộc, bộ lạc cũng như quan hệ công xã lỗi thời được thay bằng quan hệ mới dựa trên sự bất bình đẳng về sở hữu tài sản và sự ưu ái giai cấp: quan hệ chủ nô và nô lệ.

Đến đầu thề kỷ thứ VII, con đường buôn bán Tây – Đông này chuyển sang vùng vịnh Batư thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Batư. Việc mất con đường buôn bán quá cảnh này ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trong vùng. Các thành phố lớn như Mecca, Medina…bắt đầu suy tàn. Bọn chủ nô, bọn nhà giàu mất đi nguồn lợi lớn đã chuyển sang cho vay nặng lãi và bóc lột lao động của nô lệ ngày càng thậm tệ hơn. Mâu thuẫn giữa nô lệ và chủ nô ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách. Trong khi đó bán đảo Ả Rập lại đứng trước nguy cơ bị xâm lấn bởi Byzantine từ phía Tây và Batư từ phía Đông. Các đế quốc này “ưu việt” hơn xứ Ả Rập ở chỗ họ chỉ tôn thờ một vị thần duy nhất, vì thế nó giúp đoàn kết được dân tộc và nhờ vậy họ xây dựng được các đế chế hùng mạnh.

Những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội nhận thấy cần phải có một học thuyết mới và một nền đạo đức mới. Chúng phải vừa thỏa mãn được các giá trị vụ lợi, nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân và đề cao cá tính mà vẫn giữ được sự thống nhất trong dân tộc Ả Rập.

Click the image to open in full size.

Những tín ngưỡng và tôn giáo cũ của các bộ lạc chủ yếu là thờ đa thần, không những không đáp ứng mà còn cản trở khuynh hướng trên. Trong hoàn cảnh đó vũ khí tư tưởng thích hợp phải là một tôn giáo mới, tôn giáo thờ nhất thần. Hồi giáo – một tôn giáo thờ nhất thần đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Click the image to open in full size.

Quá trình hình thành đạo Hồi gắn chặt với tên tuổi cuộc đời, sự nghiệp của một nhân vật mà người Hồi giáo xem là lãnh tụ tinh thần của họ: giáo chủ Mohamed.