CHƯƠNG 1: MEURSAULT - NHÂN VẬT PHI LÝ
CHƯƠNG 2: RIEUX VÀ TARROU - NHỮNG NHÂN VẬT PHẢN KHÁNG VÀ TẬP HỢP
CHƯƠNG 3: CLAMENCE - NHÂN VẬT SÁM HỐI
KẾT LUẬN: CAMUS VẪN SỐNG
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Bị tấn công bởi những phi lý của cuộc đời, bị bóp nghẹt trong nhà tù nhân loại; Hamlet đã không thể không thốt lên một câu hỏi ám ảnh nhân gian hàng bao thế kỷ: “Tồn tại hay không tồn tại” (To be or not to be).
Câu hỏi đó, có một nhà văn Pháp đã trả lời một cách vô cùng dứt khoát: “Loài người(...) phải lấy cuộc sống này làm vui, phải thấy cuộc đời là đáng sống, tuy nó cằn cỗi, đau khổ, mất nhịp nhàng, vô nghĩa. Hãy cho ta cuộc đời ấy, hãy chấp nhận một cách kiêu hãnh cái thân phận mỏng manh. Hãy thách thức cái phi lí của đời người” và chính ông, trong cuộc sống đầy phi lý của mình, đã “đi đến tận cùng của hai cõi sống chết”, “hết mình trong mỗi sát-na của hiện tại”, để khi ông từ bỏ chốn lưu đày này mà ra đi, ông đã để lại một khoảng trống “không bao giờ ai sẽ đắp bồi được”.
Chính bởi bị chinh phục trước quan niệm, thái độ sống và viết đó của ông, cũng như bị thôi thúc bởi niềm đam mê đối với văn học Pháp mà chúng tôi đã chọn Albert Camus (1913- 1960) làm đối tượng nghiên cứu trong khoá luận này.
Tuy nhiên tài liệu về Camus không phải là ít và con số những nghiên cứu đặc sắc về Camus cũng không phải là nhỏ. Vì thế, chúng tôi đã quyết định tìm hiểu về bề trái và bề mặt trong các nhân vật tiểu thuyết của Camus - một vấn đề tuy không phải mới nhưng thật sự chưa có nhiều người quan tâm - để có thể một phần là có cơ hội đi sâu vào thế giới nghệ thuật (chính Camus đã khẳng định cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của ông nằm gọn trong tập tiểu luận Bề trái và bề mặt; và có thể nói để tìm hiểu quan điểm của tác giả hay tư tưởng của tác phẩm, không gì rõ hơn là qua nhân vật) và một phần hy vọng có thể làm rõ được giá trị cũng như sức sống của các tác phẩm của Camus.
Albert Camus – Wikipedia tiếng Việt
[Eastern Culture] Những người đẹp và văn hào Albert Camus
Tổng thống Pháp hết lời sùng kính Albert Camus
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ:
Camus là một nhà văn viết về cái phi lí, sống trong một thế giới đầy rẫy phi lí, chết một cái chết phi lí và ngay cả trong những nghiên cứu về ông cũng ít nhiều mang tính phi lí. Ông đưa ra lời giải thích cho hành động của nhân vật của mình, nhưng lời giải thích lại bị người đọc phản đối (như trường hợp O’Brien). Tác phẩm của ông xuất hiện khá nhiều, khá sớm và ảnh hưởng không ít đến tình hình văn học Việt Nam; thế nhưng cho đến tận ngày nay, vẫn rất hiếm những công trình bằng tiếng Việt nghiên cứu một cách nghiêm túc về tác phẩm của ông. Tư liệu bằng tiếng Việt viết về Camus phần lớn nằm rải rác trong sách báo, tạp chí. Vì vậy, trong quá trình hoàn thành luận văn này, chúng tôi đã phải tham khảo chủ yếu qua mảng tài liệu tiếng Pháp, chỉ điểm qua một vài ý kiến rải rác trong các tài liệu tiếng Việt.
Trong phần lịch sử vấn đề, trước hết chúng tôi sẽ trình bày một số ý kiến của Camus bàn về các nhân vật tiểu thuyết của ông; sau đó, chúng tôi sẽ điểm qua ý kiến của các nhà nghiên cứu khác. Do chỉ có được một số lượng tài liệu hạn chế và ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng không tập trung và thống nhất, nên để tiện theo dõi, chúng tôi sẽ lược sử vấn đề theo quan điểm tác giả.
Camus, Albert
1 of 1 See Full Size
Albert Camus, photograph by Henri Cartier-Bresson.
Henri Cartier-Bresson—Magnum
2.1. Camus bàn về nhân vật tiểu thuyết của ông
Trong đề tựa cho tác phẩm Người xa lạ do Nhà xuất bản Đại học ở Mĩ tái bản, Camus đã tóm tắt tác phẩm trong một câu: “Trong xã hội của chúng ta, bất kì người nào không khóc tại lễ tang của mẹ mình đều bị kết án tử hình” [35;115]. Ông cũng giải thích nguyên nhân nhân vật Meursault bị kết án cũng như nguyên nhân anh ta là một người xa lạ với xã hội mà anh ta sống là do “anh ta không tham dự trò chơi”, hay nói cách khác “anh ta từ chối nói dối: Với tôi, Meursault không phải là một kẻ lạc loài mà là một người nghèo khổ và trần trụi, yêu ánh mặt trời không có bóng mây che” [35;115].
Về tiểu thuyết Dịch hạch, Camus đã phát biểu: “Thông qua dịch hạch tôi muốn thể hiện sự ngột ngạt mà tất cả chúng ta đã phải chịu đựng, cũng như thể hiện cái không khí đe doạ và lưu đày mà trong đó chúng ta đã trải qua. Đồng thời tôi cũng muốn mở rộng sự lí giải này cho khái niệm về sự tồn tại của loài người nói chung” (dẫn theo [9;76]).
2.2. Các tài liệu nghiên cứu khác:
2.2.1. Tài liệu tiếng Pháp:
Trong các tài liệu tiếng Pháp mà hiện chúng tôi có, có lẽ nghiên cứu của Brian.T.Fitch gây ấn tượng hơn cả, không phải chỉ ở nội dung mà còn ở phương pháp nghiên cứu của ông.
Trong cuốn sách L’Étranger d’Albert Camus - un texte, ses lecteurs et leur lectures (Người xa lạ của Albert Camus- văn bản, người đọc và cách đọc - ĐTH), Brian Fitch đã đưa ra bảy cách đọc Người xa lạ của Abert Camus: tiểu sử, chính trị, xã hội, siêu hình, hiện sinh, bản thể luận, tâm lí.
Qua cách đọc tiểu sử, B.Fitch đã tìm hiểu tác phẩm dựa trên thực tế đời sống và tác phẩm của Camus (đặc biệt trong Bề trái và bề mặt, Huyền thoại Sisyphe). Ông đã phân tích vai trò đặc biệt của nước (cụ thể là ba lần đi bơi) trong việc “đánh dấu sự hiện hữu của Meursault” [24;20], phân tích những tác động tiêu cực của ánh nắng, mặt trời đối với cách cư xử của Meursault (mà sự dửng dưng và hoàn toàn lãnh đạm của Meursault được lí giải là do “cảnh vật mà anh ta sống, tràn đầy ánh nắng” [24;24], “chính cái Hư vô nọ chỉ phát sinh ra được trước những cảnh trí bị đè bẹp dưới ánh mặt trời gay gắt”- Camus, dẫn theo [24;24]), phân tích sự im lặng giữa hai mẹ con và đặc biệt, B.Fitch nhìn những hành động giao hòa với thiên nhiên của Meursault (nằm dài trên mặt biển, sụp mình trong cát, phơi mình dưới ánh mặt trời) như sự thể hiện của một thứ nhục cảm, một sự phóng đãng.
Trong khi đó, ở cách đọc siêu hình; mặt trời, nắng, gió và biển lại được nhìn nhận như những nhân vật phải chịu trách nhiệm trong vở kịch của định mệnh. Qua cách đọc này, nhân vật Meursault hiện lên như một món đồ trong bàn tay số phận; anh ta bị bủa vây trong một hệ thống “không có một lối thoát khả dĩ nào” [24;51] và “sự tình cờ nhỏ nhất cũng có sức nặng, (vì không một chi tiết nào - ĐTH) không góp phần dẫn dắt nhân vật đến với tội ác và đến với vụ hành hình trung tâm” (Sartre, dẫn theo [24;52]).
B.Fitch, qua cách đọc hiện sinh, cũng đưa ra một ý kiến khá quan trọng về quá trình phát triển của Meursault từ là một đối tượng phi lí ở phần đầu tác phẩm (một hiện sinh sống với những thói quen, sống một cách máy móc mà trong anh ta, sự phi lí giống như một cố tật bẩm sinh; anh ta không nhận thức được sự tham dự của mình trong thế giới phi lí, và anh ta làm cho cái phi lí sống “không phải bằng sự tu dưỡng tinh thần mà trong sự từ bỏ thân xác của anh ta”- Maquet, dẫn theo [24;65]) trở thành một chủ thể phi lí ở cuối tác phẩm (khi anh ta đã nhận thức được cái phi lí và khi đối diện với cái chết thứ ba trong tác phẩm - cái chết của chính anh ta). Chính khi trở thành một chủ thể phi lí, chính khi đối diện với cái chết, Meursault đã gặp gỡ hình tượng Sisyphe hạnh phúc.
B.Fitch cũng có những phát hiện độc đáo khi để ý thấy hầu hết những bức chân dung của người khác qua cái nhìn của Meursault đều thiếu đôi mắt - cửa sổ tâm hồn; hay khi ông phát biểu về mối liên hệ giữa nước và mẹ, mặt trời và cha: “Cũng như trong những tín ngưỡng và huyền thoại truyền thống, biển trong Camus sở hữu những đặc tính của mẹ: phì nhiêu, cuộc sống, tự do, tình yêu, tính dục, sự tái sinh, nhưng nó cũng đại diện cho cái chết. Về phần mình, mặt trời sở hữu toàn bộ những đặc điểm thuộc người cha: nó giao phối với biển và đất, nó là hình ảnh của sự thật, nó chiếu sáng và phá hủy” (Viggiani, dẫn theo [24;80]).
Quả thật, qua bảy cách đọc đó, B.Fitch đã đưa ra cái nhìn đa dạng về Người xa lạ cũng như về nhân vật Meursault. Không những thế, công trình của ông còn là một đóng góp nhiều ý nghĩa về mặt phương pháp luận.
Không đi sâu như B.Fitch, Robert De Luppé - qua Albert Camus - lại chỉ đưa ra những nhận xét hết sức ngắn gọn về tư tưởng và các tác phẩm của Camus.
Riêng về tác phẩm Người xa lạ, Luppé chia tác phẩm thành ba thời điểm. Thời điểm thứ nhất là cuộc sống hàng ngày của Meursault; một cuộc sống vô nghĩa, được trải ra một cách u mê, máy móc, được xây dựng “bằng một sự lặp lại mãi các cử chỉ, những suy nghĩ lặt vặt, những cảm xúc thô sơ” [27;70]; mà ở đó, nhận thức của Meursault là thụ động, buồn chán, mệt mỏi với những cảm xúc đơn giản và ngay cả “cảm xúc nhân bản nhất cũng không làm cho anh ta xúc động” [27;70]. Tuy nhiên, Luppé cho rằng sự chán chường thể hiện trong tác phẩm mang một ý nghĩa tích cực vì nó thúc đẩy sự nhận thức.
Thời điểm thứ hai là vụ xét xử mà giữa Meursault và những nhân vật tham gia xét xử như bồi thẩm đoàn, công tố viên… không hề có bất kì điểm tiếp xúc nào. Luppé cho rằng tội ác của Meursault “chỉ là kết quả của các sự kiện ngẫu nhiên và những cảm xúc phải chịu đựng một cách thụ động” [27;72]. Ông cũng cho rằng Meursault “không phải là con người bình thường và cũng không phải là người phản kháng, bởi vì anh ta không nhận ra những giá trị sống đích thực” [27;73].
Chỉ đến thời điểm thứ ba - nhà tù - Meursault mới biểu lộ sự phản kháng của anh ta, khi anh ta phát hiện “cái chết như một hiện thực duy nhất” (Camus, dẫn theo [27;74]). Chính khi “nhận thức và từ chối cái chết” (Camus, dẫn theo [27;74]), Meursault là người sáng suốt, nhìn thấy sự phi lí trong thế giới và anh ta không tham gia vào nó nữa. Anh ta có thể phán xử cuộc sống của chính mình và hiểu rằng anh ta không phải là tội phạm trước những kẻ phán xử, bởi vì anh ta là con người phi lí và “con người phi lí là con người vô tội” [27;75].
Về tác phẩm Dịch hạch, Luppé cũng đưa ra những phân tích ngắn gọn về nhân vật Tarrou và Rieux. Trong đó, Tarrou là một người sáng suốt, một nhân vật phi lí; còn Rieux là một vị Thánh không Chúa, một bác sĩ chân chính mà sự hành nghề của ông là cuộc chiến chống lại cái chết. Trong phân tích này, Luppé cũng điểm qua về hai loại dịch hạch, một loại tấn công cơ thể và một loại là dịch hạch tinh thần như sự căm ghét, ảo tưởng, kiêu căng… Và một cuộc chiến bằng thuốc để chống lại dịch hạch cũng như cuộc chiến tinh thần chống lại cái xấu là một nỗ lực giá trị.
Cũng có tới hàng trăm trang web có những tư liệu về Camus và các tác phẩm của ông. Do những hạn chế về điều kiện thời gian và ngôn ngữ, chúng tôi chỉ điểm qua một số ý kiến đáng chú ý trên các trang web đó.
Trên trang web Scholieren.com tác giả đã kết luận Meursault là nhân vật có nhiều suy nghĩ cực đoan. Anh ta có những suy nghĩ kì lạ về thế giới, chấp nhận tất cả những gì xảy ra và cố gắng hạnh phúc với những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Tác giả tán thành triết lí của Camus trong tác phẩm, “cái ý nghĩ rằng người ta có thể cảm thấy luôn hạnh phúc khi người ta chấp nhận tất cả những gì xảy ra. Nhưng cái cách mà Meursault nhìn sự vật cũng là một suy nghĩ rất ảm đạm”. Và theo tác giả, hình tượng một Meursault không cảm xúc, có thể giết người một cách lạnh lùng quả thật là phi nhân văn. Tác giả cũng nhận xét tên Meursault của nhân vật chính đọc lên hơi giống Meurt Seul: “Trong cuộc sống này không có gì người ta có thể mang đi khi người ta chết. Chúng ta để lại tất cả khi chúng ta chết, ngay chính cơ thể chúng ta, chúng ta chết một mình”. (Dans cette vie il n’y a rien que on peut porter quand on meurt. On laisse tout quand on meurt, même notre corps, on meurt seul.)
Còn trên trang www.alalettre.com, tác giả lại có một nhận xét đáng chú ý rằng Meursault không xa lạ với con người mà xa lạ với xã hội - cái xã hội với những đạo đức của mọi người và các quy tắc của họ. Meursault vẫn có những mối liên hệ thân tình với các cá nhân, nhưng anh ta lại không thể tuân theo đoàn thể. Anh ta có thể quan sát rất chi tiết từng cá nhân, nhưng lại không hiểu những gì đám đông nói. Tác giả bài viết cũng hoàn toàn đồng ý với Camus rằng Meursault là một người xa lạ vì anh ta hoàn toàn chân thật với chính mình và người khác; vì nếu nói dối tại phiên toà, anh ta hoàn toàn có thể được tự do.
2.2.2. Tài liệu tiếng Anh
Trong đề tựa cho The Outsider (xuất bản tại Anh), Peter Dunwoodie đã chứng minh Meursault không phải là người xa lạ (trong công việc, quan hệ…). Nhưng ở một góc độ khác, qua lời nói và thái độ của chính Meursault, mà mang đậm tính triết học về cái phi lí, anh ta rõ ràng là một người xa lạ, thách thức những qui ước và giá trị thông thường.
Peter cũng khẳng định Meursault không phải là một người máy thiếu cảm xúc hay xét đoán. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của anh ta là cái trước mắt, sự mãn nguyện của anh ta thuộc về khoái cảm. Chính thế giới tự nhiên là cội nguồn của mọi niềm vui thích; và Marie, dù ở trong biển, trên cát hay trong vị muối vương trên gối, về cơ bản, chính là hiện thân của những yếu tố tự nhiên đó. Bên cạnh việc phân tích cuộc sống phi lí của Meursault, Peter cũng biện hộ cho những hành vi tội ác của anh ta: “Meursault không biết nghĩa của từ “lỗi lầm” và rất khó chấp nhận thực tế rằng anh ta “có tội”; không phải vì anh ta không hiểu các khái niệm, mà vì anh ta bác bỏ các hệ thống giá trị cơ bản được dựa vào. Nếu Meursault gây ấn tượng đối với những người quan sát như là kẻ dửng dưng và phi đạo đức, không phải vì anh ta là một người xa lạ thờ ơ, không xúc cảm mà vì anh ta sống trong một hệ thống giá trị hoàn toàn khác biệt; một người mà ở anh ta quá khứ (sự hối tiếc) và tương lai (hi vọng) đều vô nghĩa. Meursault là hiện thân của một hệ thống chuẩn mực khác mà làm xói mòn nền tảng của sự kết tội anh ta” [35;xix].
2.2.3. Tài liệu tiếng Việt
Ngay sau khi Camus công bố Người xa lạ vào năm 1942, tháng 3 năm 1943, Jean Paul Sartre viết Cắt nghĩa Người xa lạ (Dẫn theo [13;185]), một trong những bản viết được coi là tinh tế và sâu sắc nhất thuộc những công trình nghiên cứu về Người xa lạ. Ông đã sử dụng Huyền thoại Sisyphe như một công cụ đắc lực soi chiếu Người xa lạ. Sartre khẳng định nhân vật chính của Người xa lạ là một nhân vật phi lí và đi vào phân tích ý nghĩa của từ phi lí, bản chất và những biểu hiện của nó. Từ đó, ông cắt nghĩa sự xa lạ, sự phản kháng, vô tội và sáng suốt của Meursault dưới góc độ là một con người phi lí. Sartre cũng dành phần lớn bài viết để phân tích đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm và cách đọc nhân vật Meursault. Qua Cắt nghĩa Người xa lạ, J.P.Sartre đã khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Camus - một “tác phẩm cổ điển, một tác phẩm thuộc loại viết cho sự phi lí và chống lại cái phi lí”(Dẫn theo [13;204]).
Riêng ở Việt Nam, dù tác phẩm Camus khá nhiều và xuất hiện khá sớm, nhưng suốt một thời gian dài, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu Camus một cách sâu rộng. Thậm chí, khi mới xuất hiện ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện sinh và tư tưởng Camus còn chịu nhiều phê phán đôi khi có phần cực đoan.
Trong Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa, tác giả Đỗ Đức Hiểu đã buộc Camus phải chịu trách nhiệm về “những tội phá hoại mà một số thanh niên gây nên trong khi áp dụng trong cuộc sống cái khẩu hiệu: lấy cái phi lí chống lại cái phi lí”[12;114]. Ông đã kết luận triết học hiện sinh là một triết học “duy tâm, phiến diện, phản khoa học” [12;117], còn tác phẩm Camus có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với con người và xã hội. Dĩ nhiên, cùng với sự trôi chảy của thời gian và vô thường cuộc sống, Camus và các tác phẩm của ông càng ngày càng được đánh giá một cách khách quan và được dành cho những vị trí xứng đáng hơn.
Dù vậy, cho tới gần đây, ngoại trừ chuyên luận Tiểu thuyết A.Camus trong bối cảnh tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX của tác giả Trần Hinh thì thật sự chưa xuất hiện một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về Camus. Tư liệu về nhà văn Pháp này chủ yếu vẫn chỉ là một vài bài viết trên các báo, tạp chí hay rải rác trong một số công trình nghiên cứu của các tác giả có tên tuổi.
Đúng như tên đề Tiểu thuyết A.Camus trong bối cảnh tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX, tác giả Trần Hinh đã khắc hoạ nét độc đáo riêng biệt của Camus trong bức tranh chung của tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX. Ông hướng người đọc cái nhìn vào chiều sâu ba tiểu thuyết Người xa lạ, Dịch hạch, Sa đoạ và nhận xét bài học từ cuộc đời và tiểu thuyết Camus. Dĩ nhiên, trong chuyên luận này, tác giả Trần Hinh chỉ tập trung khảo sát một số đặc điểm xoay quanh hai vấn đề truyện kể và kể chuyện (cụ thể hơn là cấu trúc cốt truyện theo kiểu lưỡng phân của Người xa lạ với sự dồn nén chi tiết và sự thúc đẩy kịch tính góp phần khiến độc giả phải đào sâu, mổ xẻ những gì đang diễn ra trong hiện tại của nhân vật để thấy được tính nước đôi trong cách hiểu nhân vật Meursault và thấy được sự không xa lạ trong con người xa lạ ấy. Hay phương thức kể chuyện nước đôi trong Dịch hạch đã được Camus “tận dụng đến tận cùng” để “hiện thực mà nhà văn muốn soi sáng sẽ được rõ ràng hơn [13;102] và chính đó cũng là một đặc điểm tạo nên tính đa thanh cho tiểu thuyết hiện đại. Về Sa đoạ tác giả lại chú ý khai thác phương thức kể chuyện độc thoại và từ đó nêu bật đặc điểm của “một thứ chủ nghĩa hiện sinh mang màu sắc Camus; đào sâu nhất vào bản thể con người, đau đớn trước sự sa đoạ của con người trong thế giới hiện đại, nhưng lại luôn tin rằng, bằng sự phản kháng, sám hối, con người có thể chiến thắng” [13;125]); nhưng chuyên luận đã đưa ra cách đọc của riêng tác giả và cũng hướng dẫn để người đọc có thể có những cách đọc riêng.
Ngoài ra, trong một số công trình như Tiểu thuyết Pháp hiện đại - những tìm tòi đổi mới (Phùng Văn Tửu), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại (Đặng Anh Đào), Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX (nhiều tác giả), Văn học phi lí (Nguyễn Văn Dân) hay Văn học phương Tây (nhiều tác giả); các tác giả cũng đưa ra những cái nhìn khái quát về cuộc đời, tư tưởng cũng như tác phẩm Camus.
Tuy nhiên, riêng về vấn đề bề trái và bề mặt trong tư tưởng và tiểu thuyết Camus thì thật sự chưa có một công trình nghiên cứu riêng biệt nào; thậm chí, ngoài một vài trang viết của Trần Thiện Đạo trong phần giới thiệu tiểu luận Giao cảm - Bề trái và bề mặt thì vấn đề này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu.
3. GIỚI HẠN VẤN ĐỀ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Giới hạn vấn đề
3.1.1. Giới hạn khái niệm
Nhân vật: Theo 150 thuật ngữ văn học, nhân vật văn học là “hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ” [9;249]. “Nhân vật văn học (…) là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người” [9;250]. Nhân vật vừa là một tồn tại chủ quan bị chi phối bởi tư tưởng của tác giả, vừa là một tồn tại khách quan có đời sống độc lập và sức sống mạnh mẽ vượt ra ngoài vòng kiềm toả của nhà văn.
Tiểu thuyết: Cũng theo 150 thuật ngữ văn học, tiểu thuyết là “tác phẩm tự sự, trong đó sự trần thuật tập trung vào số phận một cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó, sự trần thuật ở đây được khai triển trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt “cơ cấu” của nhân cách” [9;313]; và “thước đo đích thực của tiểu thuyết không phải sự hoàn tất hay mở ngỏ của cốt truyện, mà trước hết ở tính chất của sự miêu tả cuộc sống với tư cách là một quá trình” [9;315].
Trong luận văn này, chúng tôi chọn nghiên cứu nhân vật trong ba tiểu thuyết của Camus. Tuy nhiên, ba tiểu thuyết này đều bị chi phối bởi tính nước đôi xét trên phương diện thể loại. Người xa lạ được gọi là truyện kể, Dịch hạch là kí sự còn Sa đoạ là tự truyện. Nhưng cả ba tác phẩm trên đều mang đậm yếu tố tiểu thuyết. Vì vậy, chúng tôi xác định Người xa lạ là tiểu thuyết - triết lí, Dịch hạch là tiểu thuyết - kí sự, còn Sa đoạ là tiểu thuyết - tự truyện.
Bề trái và bề mặt: Một khó khăn đối với chúng tôi khi tiến hành thực hiện khoá luận này là phải xác định được nội hàm khái niệm bề trái và bề mặt - vốn rất rộng và không hoàn toàn dễ hiểu - trong tác phẩm Camus. Chúng tôi cũng không có tham vọng đi tìm một khái niệm chính xác cho hai từ này; tuy nhiên, để có thể triển khai được vấn đề, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức xác định nội hàm khái niệm bề trái và bề mặt trong tư tưởng và trong nhân vật tiểu thuyết Camus. Trước hết, mặt trái (l’envert) hay bề trái, theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa là “phía không tốt đẹp và thường không được bộc lộ ra ngoài của sự vật, sự việc”. Trong khi đó mặt phải thì ngược lại.
Tuy nhiên, hiểu bề trái và bề mặt trong quan niệm của Camus không phải là điều đơn giản. Chính Camus đã khẳng định trong lời tựa tập Bề trái và bề mặt: “Riêng tôi, tôi hiểu rằng nguồn cảm hứng của mình nằm trọn trong tập Bề trái và bề mặt, trong cái thế giới nghèo khó và tràn đầy ánh sáng tôi đã sống qua một thời gian dài, cái thế giới mà hình ảnh vẫn còn ngăn ngừa không cho tôi ngã vào hai tai họa trái ngược hằng đe dọa mọi nghệ sĩ: oán hận và toại nguyện” [3;29]. Trong các tác phẩm của mình, Camus đã luôn nhìn nhận thế giới ở hai bề đối lập đó. Và, dù cho bề trái và bề mặt có là hai dấu hiệu đối nghịch với nhau thì “vẫn làm nên cái mà Camus gọi là “vérité” (sự thật), hai dấu hiệu liên tục xuất hiện trên bối cảnh cuộc đời ông, từ thời thơ ấu cho đến khi nhắm mắt” [3;22]. Và, trong cuộc sống đầy phi lí, con người phải nhận thức được cả hai bề trái - phải đó, phải đi từ những nhận thức về bề trái đến những nhận thức về bề phải; để rồi mới thôi tuyệt vọng, để rồi mới có thể chấp nhận những phi lí của cõi đời và sống đến tận cùng giới hạn trong hiện tại. “Bề trái và bề mặt đó bao giờ cũng khăng khít với nhau, tuy gần gũi nhưng vẫn đối lập; và con người đứng giữa hai cực điểm đó tìm thấy được con đường sống của mình, hay đúng hơn, một đạo lí dẫn dắt mình đến một cách nhìn đời, một cách sống” [3;37]. Sống, đối với Camus, có nghĩa là chấp nhận cả hai bề trái - phải; chấp nhận cuộc sống luôn tồn tại với hai mặt vừa đối nghịch vừa bổ sung cho nhau. Sống, đối với Camus, cũng có nghĩa là luôn giữ mình ở giữa hai khoảng “chấp nhận và chối từ; giữa bề mặt và bề trái của cuộc đời đó, tôi không muốn chọn lựa lấy một bề, tôi không thích thấy người ta chọn lựa lấy một bề, tôi không thích thấy người ta chọn lựa” [3;129]. Chính từ quan niệm đó mà toàn bộ tác phẩm của Camus đều bị chi phối bởi tính nước đôi - một đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Camus.
Với Camus, “đau khổ và cái đẹp, ánh sáng và bóng tối hay chối từ và chấp nhận chỉ là bề trái và bề mặt của cuộc đời duy nhất mà thôi” (Trần Thiện Đạo, dẫn theo [3;137]). Bề trái của cuộc đời là đau khổ, là bóng tối, là chối từ, là khốn cùng. Bề trái của cuộc đời là cái nắng như thiêu như đốt; là “những ngày buồn hiu và ảm đạm sống trong một xóm thợ nghèo”; là sự tù túng, ngột ngạt; là “thế giới tàn bạo, bất nhân, cuồng tín, bóc lột, hiếu chiến, gian dối, bội phản; cái thế giới khơi ngòi cho chiến tranh, giặc giã, tù tội, tra tấn, tập trung” … Còn bề mặt của cuộc đời là “khí hậu diễm phước vừa ấm áp rực rỡ vừa đẹp mắt vui lòng, ngự trị khắp cùng vùng biển Địa Trung Hải, khiến tinh thần luôn luôn được thanh thoát và hình hài nhẹ nhõm”; là “tự do công bằng nhân phẩm, lòng thành, vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của vũ trụ, vốn dĩ là yếu tố căn bản của nền tảng cho một thế giới đại đồng yên vui trong cảnh thái bình” (TTĐ, dẫn theo [3;23]).
Đó là bề trái và bề mặt trong cuộc đời, cuộc sống; còn bề trái và bề mặt trong các nhân vật thì sao? Nếu chỉ làm một thao tác đơn giản và có phần hơi máy móc; có lẽ chỉ cần liệt kê tất cả những đặc điểm của nhân vật tiểu thuyết rồi dần dần xếp từng đặc điểm một ra hai bên. Một bên với những đặc điểm bề trái - những đặc điểm mang yếu tố tiêu cực, mang tính xấu. Còn bên kia là những đặc điểm bề mặt - những đặc điểm mang yếu tố tích cực, mang tính tốt. Tuy nhiên, để có thể xác định được bề trái và bề mặt trong các nhân vật tiểu thuyết Camus, không phải cứ thực hiện những thao tác máy móc đó là được.
Trong các nhân vật tiểu thuyết Camus, luôn tồn tại hai dấu hiệu trái ngược của cuộc sống; người đọc không thể hiểu được nhân vật nếu không đặt nhân vật trên hai bề trái - phải. Toàn bộ thế giới nhân vật và cuộc sống, cuộc đời của nhân vật đều hiện ra với cả mặt trái và mặt phải của nó: không gian, hoàn cảnh sống, tính cách, suy nghĩ... Dĩ nhiên, tuỳ từng nhân vật, mặt trái và mặt phải lại có những khác biệt và mỗi nhân vật xuất hiện với những khuôn mặt, hoàn cảnh, tính cách riêng biệt. Mỗi tiểu thuyết của Camus lại đại diện cho một giai đoạn sáng tác, một quan niệm sáng tác vừa thống nhất vừa đa dạng của ông; và lẽ dĩ nhiên, mỗi nhân vật tiểu thuyết Camus lại có những bề trái và bề mặt riêng.
Chúng tôi đã dựa trên tư tưởng của Camus về bề trái và bề mặt của cuộc sống để xác định và nghiên cứu bề trái và bề mặt trong nhân vật. Dĩ nhiên, cách xác định đó chỉ mang tính tương đối và có thể còn có nhiều thiếu sót. Nhưng hi vọng, qua đó, khóa luận có thể đưa ra một cái nhìn khái quát về thế giới nhân vật tiểu thuyết Camus.
3.1.2. Giới hạn triển khai đề tài
Chúng tôi thực hiện đề tài dựa trên các bản dịch: Người xa lạ trích trong Văn học phi lí (Nxb Thông tin, H., 2002) của dịch giả Nguyễn Văn Dân; Dịch hạch (Nxb Văn học, H., 2003) của dịch giả Nguyễn Trọng Định và Sa đoạ (Nxb Hội nhà văn, H., 1995) của dịch giả Trần Thiện Đạo.
Trong khuôn khổ một khoá luận tốt nghiệp, vấn đề bề trái và bề mặt trong các nhân vật tiểu thuyết Camus được chúng tôi tiếp cận chủ yếu xung quanh bốn nhân vật chính trong ba tiểu thuyết quen thuộc của Camus. Bốn nhân vật mà chúng tôi chọn phân tích là Meursault, Rieux, Tarrou và Clamence- những nhân vật thể hiện rõ nhất quan niệm, tư tưởng của tác giả. Chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ những nét tương đồng và dị biệt giữa các nhân vật đó dựa trên sự phân tích bề trái và bề mặt trong từng nhân vật.
Tuy vậy, sẽ còn nhiều vấn đề chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu hay tìm hiểu kĩ. Hi vọng chúng tôi sẽ có cơ hội đi sâu hơn vào một dịp khác.
3.2. Phương pháp nghiên cứu
Để làm rõ vấn đề liên quan đến đề tài, chúng tôi trước hết thực hiện phương pháp khảo sát và phân tích văn bản. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp tiếp cận thể loại; các phương pháp nghiên cứu tâm lí, tiểu sử, hệ thống, kí hiệu cũng như dùng những lí luận của tự sự học, thi pháp học để xem xét vấn đề.
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi cũng sẽ sử dụng các thao tác nghiên cứu cụ thể như so sánh, phân tích, tổng hợp...
4. BỐ CỤC LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn của chúng tôi gồm 3 chương.
Chương 1: Meursault - nhân vật phi lí
Chương 2: Rieux và Tarrou – những nhân vật phản kháng và tập hợp
Chương 3: Clamence - nhân vật sám hối
Ở ba chương này, chúng tôi phân tích bề trái và bề mặt bốn nhân vật ở ba tiểu thuyết của Camus để cuối cùng, có thể rút ra những nét chung - riêng giữa các nhân vật hay khái quát đặc điểm phong cách và giá trị tư tưởng - nghệ thuật của nhà văn.
có thể mua sách cua ông ở đâu hả bạn?
Trả lờiXóamình đang kiếm cuốn Bề trái và bề mặt chưa ra