Subscribe

RSS Feed (xml)

Powered By

Skin Design:
Free Blogger Skins

Powered by Blogger

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

MEURSAULT - NHÂN VẬT PHI LÝ (BỀ TRÁI VÀ BỀ MẶT TRONG CÁC NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT CỦA ALBERT CAMUS - CHƯƠNG 1)

PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 2: RIEUX VÀ TARROU - NHỮNG NHÂN VẬT PHẢN KHÁNG VÀ TẬP HỢP
CHƯƠNG 3: CLAMENCE - NHÂN VẬT SÁM HỐI
KẾT LUẬN: CAMUS VẪN SỐNG
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kể từ xa xưa lắm khi Prométhé cướp lửa cho loài người hay Sisyphe phạm tội vì đam mê cuộc sống; để rồi cả hai phải chịu một án phạt khủng khiếp nhất là phải chung sống suốt đời cùng cái phi lí. Cũng xa lắm rồi kể từ khi Hamlet bị đoạ đày trong phi lí cuộc đời. Cho đến thế kỉ XX, cái phi lí vẫn tồn tại như một tất yếu cuộc sống; buộc con người phải sáng suốt nhìn thẳng vào hiện thực và chọn cho mình một thái độ sống phù hợp. Trước cái phi lí, có người chọn chết, có người chọn sống, cũng có người u mê không hiểu gì. Nhưng, dù muốn dù không, loài người vẫn phải thừa nhận sự hiện hữu của cái phi lí; dù muốn dù không loài người vẫn phải sống chung với cái phi lí. Hiểu cái phi lí, chấp nhận cái phi lí và hãy sống cho đến giây phút cuối cùng, hãy tận hưởng từng phút giây hiện tại; tư tưởng đó, có thể nói, chính là đóng góp quan trọng của Người xa lạ (xuất bản lần đầu năm 1942) đối với nhận thức nhân loại.

Tiểu thuyết Người xa lạ khắc hoạ chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian gần một năm kể từ khi mẹ anh ta chết cho đến gần cái chết của chính anh ta. Dựa trên hình thức, có thể phân chia tiểu thuyết thành hai phần riêng biệt: phần một kết thúc bởi cái chết của người Ả Rập không biết tên trên bãi biển; phần hai bắt đầu bằng những ngày đầu tiên trong tù. Còn nếu đi sâu vào bên trong tác phẩm, có thể thấy Người xa lạ là một quá trình vận động tư tưởng của nhân vật chính từ mơ hồ đến sáng suốt, từ thụ động đến chủ động, từ máy móc chịu đựng sự chi phối của cái phi lí cho đến phản kháng chống lại nó. Còn, nếu dựa trên nhận thức của người đọc, thì Meursault từ một người không xa lạ thành một người xa lạ rồi lại thành một người không xa lạ. Soi sáng nhân vật trên hai bề trái - phải, có thể thấy bề trái của nhân vật là một con người phi lí không nhận thức được cái phi lí; còn bề mặt của anh ta là con người phản kháng trong xã hội phi lí đó.

Người xa lạ, Phạm Văn Tuấn
CẢNH VẬT TRONG "NGƯỜI XA LẠ" Sông Hương

1.1. Con người phi lí mơ hồ trong nhận thức
1.1.1. Nhân vật Meursault và không gian tù túng

Meursault là một nhân vật phi lí, sống trong một xã hội phi lí. Chính sự phi lí đã khiến cuộc sống quanh anh ta biến thành một nhà tù rộng lớn và sự giao tiếp giữa những người tù lại bị ngăn trở bởi một tấm kính cách âm trong suốt. Trong cái nhà tù vô hình đó, mỗi tù nhân sống, làm việc, yêu đương… một cách máy móc với sự ngột ngạt, u mê, dồn nén. Nhân vật Meursault cũng phải sống trong không gian tù túng đó; hơn thế nữa, anh ta cùng lúc phải chịu đựng sự giam cầm của cả hai loại nhà tù: một nhà tù ảo giam hãm nhận thức của anh ta và một nhà tù thật giam hãm thân xác nhưng lại trả tự do cho nhận thức của anh ta. Anh ta vừa phải chịu sự ngột ngạt, tù túng của không gian sống - sinh hoạt bình thường; vừa nhỏ bé đến tội nghiệp trong không gian nhà tù và tòa án.

Nếu đọc Người xa lạ dựa trên những hiểu biết về cuộc đời cũng như hệ thống tác phẩm của Camus; có thể thấy nét tương đồng giữa khu phố nghèo Belcour và thành phố Alger nơi Camus sinh sống với khoảng không gian bị bó hẹp của nhân vật Meursault. Một không gian quẩn quanh, tù túng, đơn điệu với những công việc máy móc, con người máy móc, nhịp sống máy móc. Chính nó khiến cho nhận thức của nhân vật cũng trở nên máy móc, buồn tẻ và u mê. Không gian đó chính là không gian hiện thực của cuộc sống ngày nay. Chính nó cũng góp phần quan trọng vào sự hình thành cái phi lí của cuộc đời.

Không những thế, không gian trong Người xa lạ còn là không gian bức bối trong nắng nóng của mùa hè, trong ánh mặt trời chói chang cái “ánh sáng tràn trề” làm phong cảnh “trở nên phi nhân và nặng nề” [9;273]. Mặt trời, trong các tác phẩm của Camus, “làm cho mọi thứ hoá ra những hình ảnh hỗn loạn, không nằm trong ý thức của con người. Con người như bị hôn mê đi dưới ảnh hưởng thôi miên của con mắt vĩ đại treo trên cao kia. Hay có khi ngược lại, chính trong lúc bị mặt trời thôi miên ấy mà con người nhìn ra những sự thật của đời sống, những sự thật không bị những ảo tưởng đời che chắn khiến cho chúng thường mang dáng dấp của những mộng ảo thật trong mắt người” [16;237]. Camus đã từng gọi đó là “bài học của mặt trời” [3;165].

Chính mặt trời đã khiến cuộc sống của con người trở nên tù túng, ngột ngạt, phi nhân; khiến không gian sống của con người trở thành chốn lưu đày. Con người không còn là mình nữa.

Trong Người xa lạ, mặt trời cũng là một nhân vật, đóng vai trò là hiện thân của định mệnh. Trong đám tang của người mẹ, ánh sáng mặt trời chói chang đã khiến cho Meursault bị bủa vây trong cái gọi là “không có lối thoát nào khác” [9;274]. Trên bãi biển mà Meursault đã bắn chết người Ả Rập, cả “một đại dương kim khí sôi sùng sục” [9;306] đã khiến cho Meursault không còn kiểm soát được mình nữa, anh ta trở nên u mê, nặng nề, bị thúc ép; anh ta bắt đầu hành động một cách vô thức và tự mình gõ vào cánh cửa định mệnh để bước vào trong “cõi bất hạnh” [9;307]. Cái nắng nóng ấy đã theo đuổi Meursault trong suốt những thời điểm quan trọng nhất đối với sự bất hạnh và phi lí của anh ta. Meursault đã không thể có cách nào thoát ra khỏi sự truy đuổi đó, cũng như không thể nào thoát ra khỏi cuộc đời phi lí của mình.

Cái oi bức đó, sự dữ dội đó của ánh mặt trời; trong không gian bức bối của toà án và trong sự ngột ngạt của nhà tù; càng khiến cho Meursault trở nên bé nhỏ, cô độc và càng khiến anh ta không có lối thoát nào khác. Anh ta xa lạ với những người tham gia phiên toà; anh ta trở thành một kẻ ngoài cuộc đối với sự phán xử số phận của chính anh ta. Sự sống của anh ta bị quyết định, một phần do mặt trời, một phần do kẻ khác - những kẻ nhân danh “công lí của con người” [9;350]. Đối với cái công lí đó, Meursault là một tội nhân - anh ta bị kết tội “đã chôn mẹ mình với trái tim của kẻ tội phạm” [9;333] - nhưng đồng thời, anh ta cũng là một nạn nhân của chính nó. Anh ta bị cô lập, bị gạt bỏ và cuối cùng bị kết án. Anh ta đã bị biến thành một người xa lạ; một kẻ ngoài cuộc.

Thậm chí, ngay cả khi ở trong tù, anh ta cũng bị cô lập; không cả bạn tù, không niềm tin, không sự thông cảm. Anh ta bị nhốt trong bốn bức tường ngột ngạt, thiếu thốn; anh ta bị tước đoạt dần dần những thói quen cũ để hình thành nên những thói quen mới. Anh ta đã chuyển từ sự máy móc đơn điệu này sang một sự máy móc và đơn điệu khác. Cuối cùng thì cái cảm giác chi phối anh ta mạnh mẽ nhất chính là cảm giác về cái không có lối thoát nào khác, cả về thể xác lẫn tinh thần.

the stranger by albert camus




1.1.2. Kẻ xa lạ với người khác

Meursault đã bị kết án là một người xa lạ và vì anh ta là một người xa lạ. Anh ta đã sống một phần đời của mình một cách bình thường giữa những người bình thường khác. Dĩ nhiên, anh ta có thể đã từng bị đuổi học, từng tỏ ra thiếu tham vọng, từng bị coi là kì quặc .v.v. nhưng chưa một lần nào anh ta bị coi là một người xa lạ đối với cuộc sống và những người xung quanh. Anh ta vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn quan hệ với phụ nữ… và tất cả những hành động khác thường của anh ta đều được chính người khác biện hộ, thông cảm. Cho đến khi anh ta bị bắt, bị đem ra đối chất trước vành móng ngựa; tất cả những hành động kì quặc của anh ta lại bị đem ra phân tích, mổ xẻ; và người ta tìm cho những hành động đó những cái tên, những nguyên nhân, những hình phạt. Cuối cùng, từ một người không xa lạ dưới con mắt mọi người, anh ta đã nhanh chóng trở thành kẻ xa lạ, nhanh chóng trở thành một con quái vật, một kẻ giết người máu lạnh.

Quả thật, trong xã hội phi lí đó, Meursault đúng là một người xa lạ. Anh ta xa lạ vì đã không tuân theo những chuẩn mực đạo đức, những qui tắc xã hội thông thường. Anh ta đã không suy nghĩ và hành động theo như quan niệm thông thường của những người khác.

Cuộc sống của anh ta là một cuộc sống gợi lên cảm giác về cái vô nghĩa lí. Anh ta hành động máy móc, vô thức, luôn luôn bị chi phối bởi cảm giác mệt mỏi, buồn chán, đơn điệu. Anh ta hành động chỉ là để giết thời gian và do buồn chán. Khi ở công sở, anh ta làm việc; khi gặp bạn gái, anh ta trò chuyện, xem phim, tắm biển; khi có người hỏi thì anh ta trả lời… Tất cả được thực hiện một cách máy móc, rập khuôn và buồn tẻ. Còn khi ở một mình, Meursault thực hiện những hành động vô nghĩa: đọc một tờ báo cũ, cắt dán một bài anh ta thấy hay hay rồi tiêu tốn cả chiều chủ nhật để quan sát đường phố từ trên ban công. Sự đơn điệu đó khiến cho người khác có cảm giác anh ta chỉ đơn thuần là tồn tại chứ không phải đang sống. Dường như anh ta chỉ hành động theo bản năng, như một con robot được lập trình.

Chính vì thế, trong cuộc sống, anh ta luôn thể hiện một sự thờ ơ nhất định nào đó. Anh ta không hiểu thế nào là tình yêu, dù luôn cảm thấy ham muốn Marie và cảm thấy hạnh phúc bởi sự hiện diện của cô. Sự thờ ơ của anh ta, nhiều lúc trở thành lạnh lùng đến tàn nhẫn. Có thể nếu Marie là một người phụ nữ nào đó khác, cô sẽ cảm thấy thật sự tổn thương trước thái độ của Meursault. Nhưng, có lẽ chính cô là người hiểu anh ta hơn hẳn anh ta, hoặc có lẽ vì một lí do nào đó khác; cô vẫn yêu anh Meursault ngay khi anh ta trả lời không yêu cô. Đối với anh ta, tình yêu “chẳng có ý nghĩa gì” [9;288]; “mọi cuộc sống cũng đều như nhau cả thôi” [9;293].

Trong quan hệ với mẹ mình, Meursault cũng tỏ ra xa lạ: “Hẳn là tôi rất yêu mẹ, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả” [9;309].

Nhìn ở một góc dộ nào đó, người ta đã có lí khi kết án Meursault là một người vô cảm. Anh ta có thể thấy thiếu vắng mẹ, nhưng không hề đau khổ. Anh ta không thăm mẹ thường xuyên tại nhà dưỡng lão, không nhìn mặt mẹ lần cuối, uống cà phê sữa và hút thuốc trước quan tài người chết, ngủ trong khi canh linh cữu, xem phim hài và hành động yêu đương chỉ một ngày sau khi mẹ mất. Anh ta đã bị kết tội “giết chết mẹ về mặt tinh thần” [9;337]. Anh ta trở thành một kẻ xa lạ với “trái tim trống rỗng” [9;337] trong mắt mọi người.

Quả thật, giữa Meursault và những người khác, có một vách ngăn trong suốt. Không bao giờ Meursault tìm hiểu những cảm nhận của người khác. Dù cho anh ta có đôi lần băn khoăn về thái độ của mọi người đối với mình thì cuối cùng, anh ta vẫn cảm thấy mọi chuyện xảy ra như thế nào cũng được; nếu sự việc khác đi thì cũng có ý nghĩa gì đâu. Thế giới nhân vật xung quanh Meursault, có phải vì thế mà hầu hết toàn những người không tên, không tuổi. Họ xuất hiện trước Meursault bằng chức vụ, bằng những khuôn mặt vô hồn, bằng những dấu hiệu của sự máy móc hay sự tàn phá của thời gian. Một người phụ nữ quen mặt trong quán ăn quen thuộc mà Meursault không biết tên, một nữ y tá ở viện dưỡng lão mà anh ta không nhận ra sự có mặt dù chị ta đứng ngay trước mắt; những cụ già ở viện dưỡng lão mà anh ta cảm thấy như sự có mặt của họ là để phán xử anh ta, rồi cả toà án mà anh ta thấy như mình là một tội nhân bên lề phiên xử… ; tất cả những con người đó, tất cả những sự tồn tại đó, với Meursault, dường như không có ý nghĩa gì, dường như họ tồn tại ở một thế giới khác.

Đối với những con người đó, Meursault là một kẻ giết người máu lạnh, một kẻ phạm tội cả về tinh thần và thể xác. Anh ta đã giết người vì một lí do có phần vô lí: mặt trời. Chính do sự thúc ép của mặt trời mà anh ta trở nên mê muội, vô thức; khiến anh ta bắn bốn phát đạn vào một xác người - bốn phát đạn đẩy anh ta vào trong cõi bất hạnh. Chính bốn phát đạn đã khiến người khác, và cả chính anh ta, không hiểu nổi anh ta nghĩ gì. Anh ta bắn, và không hối hận, không cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Anh ta không hề nhận ra mình có tội. Anh ta trở nên xa lạ cũng vì sự u mê đó.

http://mattviews.files.wordpress.com/2007/09/stranger.jpg

1.1.3. Kẻ xa lạ với chính mình

Cho dù không phạm tội giết người, không bị xét xử tại toà án thì Meursault cũng đã sống trong cõi bất hạnh từ trước. Anh ta bất hạnh vì đã sống một cách máy móc, u mê trong sự phi lí của xã hội. Anh ta bất hạnh vì đã thành nô lệ của cuộc sống phi lí ấy. Không phải chỉ giữa anh ta và người khác mới có một tấm kính vô hình ngăn cách mà ngay trong chính anh ta, ngay trong con người anh ta cũng có một tấm kính vô hình ngăn cản anh ta nhận thức về chính mình và nhận thức cuộc sống phi lí của mình. Chính điều đó đã biến anh ta thành một kẻ thụ động.

Camus từng có lần nhận xét rằng Meursault là một con người yêu ánh mặt trời không có bóng mây che. Còn Conor Cruise O’Brien thì lại khẳng định: “Trong tiểu thuyết, Meursault nói dối. Anh ta đã thay Raymông viết bức thư để lợi dụng và làm nhục cô gái. Sau này, anh ta lại nói dối ở sở cảnh sát để minh oan cho Raymông, người đã đánh cô gái này. Thật là sai lầm khi cho rằng Meursault là người “không thể lay chuyển trong sự tôn trọng tuyệt đối sự thật”. Những tình tiết đó chứng tỏ anh ta thờ ơ với sự vật cũng như với sự tàn bạo như chúng ta biết” (dẫn theo [17;744]). Dĩ nhiên O’Brien có những lí do để khẳng định nhận xét đó của mình. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan tác phẩm cũng như quan sát Meursault trong sự vận động phát triển tự thân của anh ta, có thể thấy Meursault không nói dối. Nói một cách chính xác hơn, anh ta không hiểu thế nào là nói dối và anh ta cũng không nắm bắt được sự thật để mà khẳng định anh ta bảo vệ sự thật. Anh ta chỉ là một người thụ động, nhìn sự việc theo cái nhìn của người khác. Anh ta chấp nhận những gì người khác đưa đến cho anh ta, thậm chí cả trên lĩnh vực nhận thức, tình cảm. Trong thâm tâm, anh ta mặc nhiên chấp nhận những gì Raymond nói và coi đó như những gì xảy ra trên thực tế. Anh ta đã làm điều mà bản năng mách bảo anh ta nên làm, theo cái mà anh ta cho là sự thật; một cách hiển nhiên, vô thức, theo cái cách mà cái gì đến thì sẽ đến. Anh ta cũng không cao cả đến mức hi sinh vì sự thật; anh ta không hề có khái niệm nào về sự thật cũng như lừa dối, đúng cũng như sai, nên cũng như không nên. Anh ta thản nhiên tuân theo sự sắp đặt của người khác. Cuộc đời anh ta là cuộc đời của một người máy được lập trình bởi cái ngẫu nhiên, bởi sự phi lí và bởi chính những người máy khác. Anh ta liên tục lặp đi lặp lại câu: Với tôi thế nào cũng được; rồi với tôi chuyện đó cũng vậy thôi; cũng như anh ta sẵn sàng tán đồng với người khác, rất dễ bị thuyết phục: “Quả đúng là thế và tôi công nhận điều anh ta nói” [9;285], “tôi thấy là quả thật…” [9;286]; “đúng như thế và dù sao tôi cũng muốn thế” [9;301]…

Cũng chính vì thế mà anh ta dễ dàng trở thành một con rối trong bàn tay số phận. Anh ta không làm chủ được chính mình và anh ta hoàn toàn tuân theo sự chi phối của những yếu tố khách quan: từ thiên nhiên cho đến con người. Cuộc đời anh ta trải dài trên một chuỗi đấu tranh giữa mặt trời và nước, giữa ánh sáng chói chang ban ngày với sự dịu dàng, êm ái của trăng sao; giữa cái ngột ngạt oi bức ngày hè với sự êm ả mượt mà của đêm tối… Trong lễ tang của mẹ, trên bãi biển, trong phiên toà… Meursault đều bị tác động sâu sắc bởi mặt trời, bởi nóng bức, ngột ngạt. Khi anh ta được đắm mình trong nước, anh ta hoàn toàn cảm thấy hài lòng, thoải mái. Nhưng khi thiếu sự mát mẻ, trong lành đó, anh ta hoàn toàn bị khuất phục bởi ánh mặt trời, chịu sự thúc ép của mặt trời. Anh ta chỉ là công cụ dưới sự điều khiển của một thế lực siêu nhiên. Anh ta là tội nhân nhưng cũng là một nạn nhân khốn khổ, tội nghiệp. Chỉ đến khi bị cách li khỏi cái nắng chói chang thường trực đó, chỉ khi anh ta trở nên chủ động trong hành động và nhận thức, chỉ khi đó anh ta mới không còn bị ám ảnh bởi cái nắng nóng ấy nữa. Nói một cách khác, do không phải chịu sức ép thường xuyên của mặt trời, anh ta mới dần dần làm chủ được mình; và cũng chính vì làm chủ được mình, anh ta không còn bị mặt trời thao túng nữa.

Nhưng trước đó, trong suốt một thời gian dài, Meursault luôn ở trong thế bị động. Thậm chí, anh ta cũng quan sát cảnh vật, con người theo một cách hoàn toàn vô thức. Anh ta nhìn chỉ để nhìn, quan sát rất tinh nhưng không hề có một sự phân tích hay chọn lọc nào. Cảnh trí trong nhà giam, những khuôn mặt già nua, những hoạt động máy móc của người phụ nữ bên bàn ăn… Những quan sát vô thức đó càng góp phần làm cho cuộc sống của Meursault thêm ngột ngạt, khoảng không gian tự do dành cho anh ta ngày càng bị thu hẹp. Anh ta dường như sắp gục xuống trước sức nặng của những hình ảnh chồng chất đó.

Nhưng Meursault đã không hoàn toàn ngã gục và cũng không hẳn đã bị chìm sâu trong sự máy móc hay vô nghĩa của cuộc đời. Bên cạnh những sức nặng muốn đè bẹp anh ta, muốn huỷ diệt anh ta; vẫn còn có những cái nâng đỡ anh ta, giải phóng anh ta khỏi sự đơn điệu.

[The-stranger.jpg]


1.2. Con người phản kháng trong xã hội phi lí
1.2.1. Nhân vật Meursault và mối giao cảm với cuộc sống

Trong mắt Camus, cuộc đời luôn tồn tại với sự khăng khít giữa hai bề trái - phải. Bề trái và bề phải đó của cuộc đời trước hết thể hiện trong thiên nhiên - một thiên nhiên vừa dữ dội, bức bách, gợi lên cảm giác về cái phi nhân và xa cách; lại vừa dịu dàng, chở che, yêu thương và gần gũi.

Cả hai bề đó của khuôn mặt thiên nhiên đã luôn hiện diện trong cuộc sống, trong nhận thức và trong tác phẩm Camus. Đó chính là thiên nhiên nơi xứ sở Địa Trung Hải tràn trề ánh sáng và rực rỡ sắc màu, là bao la mặt biển và xanh thẳm bầu trời mà Camus đã sống và yêu thương. Đó chính là thiên nhiên diễm phước đã soi sáng đến sâu thẳm nhận thức và tận cùng cuộc sống khốn khổ của con người. Đó chính là thiên nhiên dịu hiền đã chở che cho hết thẩy đàn con và thay chúng chiến đấu với cái phi nhân đã được tạo ra bởi mặt trời. Đối với Camus; thiên nhiên luôn là nguồn tài sản vô giá, là sự thôi thúc con người cởi mở lòng mình, thôi thúc họ yêu thương và khát sống. Thiên nhiên rực rỡ và dịu dàng ấy, sự huyền bí của những đêm đầy sao ấy, sự mơn trớn ngọt ngào của mùi vị đêm hè ấy… đã khiến cho con người trở nên người hơn, sống thật với chính mình hơn; khiến con người đối diện với chính mình và cuộc đời, cảm nhận tất cả chảy trôi của cuộc sống, để thấy rằng “mỗi giờ khắc thiếp ngủ sẽ là một giờ khắc đánh mất ở cuộc đời” [3;120]. Tư tưởng hiện sinh ấy, bắt nguồn từ chính những ngày thơ ấu của một chú bé nơi xóm nghèo Belcour, người đã từng tận hưởng đến tận cùng sự im lặng của thiên nhiên và sự cô đơn “nâng thêm giá trị cho mỗi sự vật” [3;74]. Trong màn đêm huyền bí, con người đã nhận chân ra những sự thật cuộc đời. Chính vào một đêm hè đầy sao, Meursault “cảm thấy mình sẵn sàng sống lại tất cả”[9;354], “lần đầu tiên tôi mở lòng đón nhận sự dửng dưng dịu dàng của thế giới. Những mùi vị của đêm, của đất và của muối làm mát hai thái dương tôi” [9;354]. Và Meursault, chính giây phút đó, đã thấu hiểu toàn bộ tính chất phi lí của cuộc đời và chấp nhận sự phi lí đó; cũng đồng nghĩa với việc anh ta đã phản kháng chống lại sự phi lí.

Bầu trời đêm cũng là một tình nhân của Meursault; là người bảo trợ và là đồng sự của anh ta. Bầu trời đêm, cũng như biển, là một phần cuộc sống của Meursault. Anh ta tìm sự bình an trong biển, hành động yêu đương trong biển và tìm tự do trong hành động đến với biển. Có thể Meursault thờ ơ và bị động trong rất nhiều trường hợp; nhưng đứng trước bề mặt của thiên nhiên, anh ta đã giao cảm với một sự tinh tế đặc biệt, một sự tinh tế mà đôi khi có thể thành xa lạ với rất nhiều người; sự tinh tế của một lòng háo sống.

Trong bề trái của nhân vật Meursault, anh ta là một con người xa lạ với xã hội, một kẻ thờ ơ, sống một cuộc sống máy móc, đơn điệu, buồn chán. Tưởng như anh ta hoàn toàn vô cảm, dửng dưng với cả sự sống của mình. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Anh ta vẫn khao khát được tự do, vẫn mong được sống. Thậm chí, ngay cả khi anh ta bình thản chấp nhận cái chết, thì đó hoàn toàn không phải là do anh ta chán sống. “Có lòng háo sống nào mà không kèm theo một mối tuyệt vọng” [3;119] ?

Những âm thanh thân thuộc của thành phố anh ta yêu, một khung trời chiều với mùi vị của mùa hè, biển, ánh sáng, giọng cười và những chiếc áo váy của Marie… Đó là cuộc sống, là những gì Meursault đã yêu, đã quan tâm và lưu giữ. Những kí ức đã ngủ quên trong tâm trí anh ta suốt một thời gian dài và có thể chẳng bao giờ được đánh thức, nếu như con người xa lạ Meursault ấy không bị bứt ra khỏi sự đơn điệu và máy móc của cuộc sống hàng ngày, không phải đối diện với thực tế là anh ta có thể không còn được sống. Anh ta đã hồi tưởng chỉ để giết thời gian, nhưng chính những hồi tưởng đó lại chứng minh anh ta đã sống, đang sống và nó cũng chứng minh anh ta không phải là người hoàn toàn xa lạ với biết bao người xung quanh.

book cover of   The Outsider   by  Albert Camus

1.2.2. Sự không xa lạ trong mối quan hệ với người khác

Với nhiều người, Meursault là một người xa lạ, nhưng đối với những người bạn của anh ta, anh ta không hề bị coi là xa lạ. Hiển nhiên đối với Meursault, ý nghĩa của từ bạn không giống như quan niệm của nhiều người khác. Nhưng cũng hiển nhiên là Meursault đã được rất nhiều người coi là bạn; hơn thế nữa, được coi là một con người. Hơn một lần, Meursault khẳng định anh ta hoàn toàn giống như mọi người khác. Anh ta cũng từng có lúc “có một thèm muốn ngu xuẩn là được khóc, bởi vì tôi cảm thấy tất cả những người ngồi đây sao mà ghét mình đến thế” [9;328]. Dưới mắt nhiều người, anh ta là một con người lương thiện, tử tế, một người con có hiếu và một nhân viên tận tụy. Nếu không có những phát súng oan nghiệt trên bãi biển, có lẽ Meursault vẫn sống như bao người bình thường khác. Anh ta sẽ làm việc tại Pari, và sẽ làm việc chăm chỉ như trước nay vẫn thế; anh ta sẽ cưới Marie - dù anh ta cảm thấy gắn bó với cô vì những ham muốn thể xác chứ không phải vì một thứ tình yêu mà với anh ta thật vô nghĩa lí. Anh ta sẽ vẫn là bạn của Raymond và Céleste; vẫn quan tâm đến lão Salamano và con chó tội nghiệp .v.v. Nói tóm lại, anh ta vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn yêu đương. Và sẽ chẳng thể bị kết tội vì đã không khóc trong đám tang của mẹ.

Đối với công tố viên, bồi thẩm đoàn hay thẩm phán, Meursault là kẻ giết chết mẹ về mặt tinh thần; đối với giám đốc viện dưỡng lão, Meursault có vẻ như một người vô cảm. Nhưng, hơn một lần, Meursault đã khẳng định mình yêu mẹ (dù lời khẳng định ấy cũng mang vẻ mơ hồ của chính nhận thức của anh ta), và anh ta vẫn cảm thấy trống trải khi thiếu vắng mẹ.

Nếu chỉ thuần tuý dựa trên văn bản, không chỉ Meursault mà những người bạn của anh ta cũng đã giải thích cho thái độ của anh ta đối với mẹ mình, từ việc anh ta phải gửi mẹ vào viện dưỡng lão cho đến việc anh ta không thường xuyên đến thăm mẹ và cuối cùng là thái độ trước cái chết của mẹ. Đúng như Salamano đã nói: phải thông cảm cho anh ta. Tình cảm của hai mẹ con Meursault là một thứ tình cảm câm lặng, đã hình thành nên một loại “hòn đảo im lặng” [9;317] giữa hai mẹ con và hình thành nên một cách sống theo thói quen. Đưa mẹ vào viện dưỡng lão, đối với cả Meursault và mẹ anh ta, chỉ là một hành động xóa bỏ một số thói quen cũ để thiết lập nên những thói quen mới. Một khi đã quen với những cái mới đó rồi thì những thói quen cũ lại trở thành vô nghĩa.

'The Outsider' - Albert Camus by letslookupandsmile.
Cover drawing by Paul Hogarth
First published in Penguin 1961
Reprinted 1965


1.2.3. Con người phản kháng trong xã hội phi lí

Như đã nhận xét, Meursault là một nhân vật phản kháng trong sự phi lí, một sự phản kháng đi từ vô thức đến ý thức, từ tự phát đến tự giác. Anh ta đã phản kháng bằng cách giao cảm với cuộc sống và gần gũi với con người. Đó là những sự phản kháng một cách vô thức, khi Meursault chưa hề nhận thức được về cái phi lí. Còn khi đã ý thức được về nó rồi thì anh ta phản kháng bằng sự không chấp nhận nói dối và bằng chính sự thấu hiểu và chấp nhận cái phi lí.

Meursault, như lời khẳng định của Camus, là một con người sẵn sàng chết cho sự thật. Có lẽ, hành động chết cho sự thật ở đây không mang ý nghĩa cao cả như trong quan niệm thông thường. Meursault đã chết vì anh ta nói thật, nhưng cái chết của anh ta không phải để tuyên dương sự thật, không phải để vinh danh sự thật. Anh ta đã chết vì anh ta chọn một lối sống mà người ta phải ghi nhớ một bài học đắt giá từ cái phi lí của cuộc đời: “Người ta đừng có bao giờ đóng kịch” [9;321].

Meursault đã chung thành với lối sống đó cho đến tận phút cuối cùng. Suốt từ đầu tác phẩm, Meursault đã luôn nói thật những gì mình nghĩ, mình cảm thấy. Cái tính thật đó, nhiều khi, đã biến anh ta thành một con người lạnh lùng, tàn nhẫn, một kẻ tội phạm - dù cho anh ta không thật sự hiểu những từ này.

Đến khi bị bắt vào tù và phải đứng trước vành móng ngựa, khi bị bắt buộc phải chọn lựa giữa nói dối để được sống và nói thật để phải chết, anh ta đã chọn việc nói thật. Anh ta đã được biết về những bất lợi mà quyết định đó mang đến cho anh ta. Anh ta cũng khao khát được sống, được tự do. Anh ta cũng mơ ước có thể kháng án thành công. Nhưng, cái tự do mà anh ta mơ tới đó là cái tự do trong khi vẫn không hề đóng kịch. Tuy nhiên, thật ra, Meursault không hề ý thức là mình có tội. Anh ta không nhận thấy rằng khi anh ta nói lên sự thực chính là anh ta đã khẳng định sự phạm tội của mình.

Còn khi đã nhận ra cuộc đời là phi lí thì đồng thời anh ta cũng nhận ra “cuộc đời không đáng sống” [9;347], nhận ra cái chết là một lẽ tất nhiên; và cũng chính khi đó, anh ta sẵn sàng sòng phẳng: “Người ta chỉ cho tôi biết rằng tôi là một tội phạm. Tôi phạm tội thì tôi phải trả giá, người ta không thể yêu cầu tôi gì hơn nữa” [9;350]. Và, khi đã chấp nhận điều đó, anh ta không cần phải nói dối để được sống. Anh ta chấp nhận, và nghĩa là anh ta phản kháng.

Phải mất một thời gian dài, Meursault mới hiểu về cái phi lí của cuộc đời, cho dù anh ta đã sống cùng nó lâu đến thế. Nhưng, nếu như quả thật “người ta chỉ sống thật sự vài giờ trong cuộc đời mình mà thôi” [3;40] thì có lẽ với Meursault; những giờ sống thật sự đó là những giờ phút anh ta nhận ra và chấp nhận cái phi lí của cuộc đời.

Anh ta đã chọn cho mình một cách sống và sẵn sàng chết vì cách sống đó. Nhưng, anh ta đã sống, sống thật sự chứ không phải như những người khác - những người “không thể tin chắc mình đang sống” bởi vì họ “sống như một xác chết” [9;352]. Anh ta thật sự sống, vì anh ta “tin chắc mọi sự, nắm chắc được sự thật” [9,352]. Anh ta trở nên hoàn toàn sáng suốt, và anh ta cảm thấy đã có được hạnh phúc và vẫn còn đang được hạnh phúc. Anh ta không cần tìm đến sự an ủi nơi Chúa Trời. “Hạnh phúc nằm trọn trên cõi đời này khi con người đã sáng suốt từ khước mọi không tưởng, mọi ảo vọng, mọi an ủi nằm ở ngoài cuộc đời” (Trần Thiện Đạo, dẫn theo [3;141]); “quê hương tôi nằm trọn trên cõi đời này” [3;128]; và hạnh phúc là khi nhận ra điều đó, là khi nhận được sự diệt vong tất yếu của sự vật. “Một giờ nữa, một phút, một giây, ngay lúc này đây, biết đâu mọi vật có thể bỗng nhiên đổ vỡ” [3;118]. Và ngay trong giây phút này của hiện tại, khi cái khoảnh khắc diệt vong vẫn chưa xuất hiện, con người có thể hạnh phúc khi sống hết mình. Và, “tinh thần can đảm tột bực, vẫn cứ là ở chỗ mở rộng con mắt ra mà nhìn ánh sáng đó cũng như nhìn thẳng cái chết” [3;130]. Meursault đã có được cái tinh thần can đảm tột bực đó; anh ta đã hạnh phúc, đã thanh thản. Cái chết không còn đáng sợ nữa. Sự phi lí cũng không còn nặng nề như trước nữa.

Có thể có người cho rằng những phản ứng của Meursault hơi cực đoan, thái quá; rằng lẽ ra anh ta có thể làm thế này mà không làm thế kia... Nhưng anh ta là một nhân vật phi lí. Và sự bình thản của Meursault trước cái chết, sự sẵn sàng đón nhận tất cả những gì xảy đến đó; dù sao đi nữa, vẫn mang những ý nghĩa tích cực nhất định. Anh ta hiểu rằng cuộc đời không đáng sống, nhưng con người vẫn phải sống hết mình. Khi không tin được vào tương lai hay những ảo mộng thường tình của con người, thì hạnh phúc chính là nằm trọn vẹn trên cõi đời hiện tại này đây. “Làm sao tách rời con người và tính chất phi lí của họ?” [3;129]. Con người chỉ có thể phản kháng để không trở thành nô lệ cho cái phi lí đó. Con người thức tỉnh, thức tỉnh để suy tư, nhận thức về cái phi lí, để chấp nhận - đồng thời phản kháng; và hạnh phúc như Sisyphe hạnh phúc.

http://a1204.g.akamai.net/7/1204/1401/05042610011/images.barnesandnoble.com/images/9560000/9567076.jpg


1.3. Một vài vấn đề thi pháp
1.3.1. Cốt truyện

Người xa lạ được chia thành hai phần và sự phát triển của các sự kiện được xoay quanh ba cái chết. Phần thứ nhất được bắt đầu bằng thông báo về cái chết của người mẹ nhân vật chính Meursault và kết thúc bằng cái chết của một người Ả Rập không rõ tên trên bãi biển. Phần hai bắt đầu bằng những ngày đầu tiên sau khi Meursault giết người và kết thúc bằng một cái chết trong tương lai gần của anh ta. Meursault đã bị bắt vì cái chết thứ hai và bị kết án bởi cái chết thứ nhất. Ba cái chết đã chi phối toàn bộ các tình tiết trong tác phẩm, trở thành sợi dây liên kết hai phần lại với nhau.

Mặc dù chia thành hai phần rất rõ ràng, nhưng trong khi phần I là một sự dàn trải các sự kiện mang đậm tính khách quan của biện pháp thống kê thì phần II lại là sự chồng chéo giữa quá khứ, hiện tại và những dự cảm về tương lai. Phần I được viết bằng lối viết nhật kí, luôn có sự xác định rõ ràng hôm nay - hôm qua (Tất nhiên, nếu đọc kĩ, có thể thấy cái hôm nay đó thực chất cũng là một hôm nay trong hồi tưởng, vì “bây giờ tôi vẫn còn giữ lại trong đầu đôi ba hình ảnh về ngày hôm đó” [9;274]). Phần II lại là sự dồn nén của thời gian và sự kiện, sự co thời gian dẫn đến những đoạn nhảy cóc trong nhận thức và sinh hoạt của Meursault. Trong phần II, nhân vật được sống lại những sự kiện đã được diễn ra trong phần I, nhưng không phải là những hình ảnh rập khuôn, những sự lặp lại buồn tẻ. Ở phần I (dựa trên tính chất của lối viết nhật kí), sự việc được kể lại một cách khách quan mang tính thống kê, đôi khi gây cảm giác dài dòng, buồn tẻ. Ở phần II, sự kiện lại được nhìn nhận theo cái nhìn chủ quan của người khác, được phân tích mổ xẻ và mang những ý nghĩa khác nhau. Đó là những sự kiện bị phán xử. Trong cả hai phần, thời gian đều được diễn ra trên trục tuyến tính; nhưng trong khi ở phần I, các sự kiện được kể lại đã diễn ra trong khoảng 3 tuần thì ở phần II, với số trang tương đương phần I, lại miêu tả các sự kiện trong gần 11 tháng - mà phần lớn là sự nhắc lại những sự kiện đã diễn ra trong phần I. Nhìn qua tưởng như không có sự cân xứng, nhưng thật ra, chính cách tổ chức cốt truyện như thế đã tạo cho Người xa lạ có được tính nước đôi và tính triết lí sâu sắc.

1.3.2. Ngôn ngữ

Ngay từ tên đề, có thể thấy tiểu thuyết viết về một người xa lạ. Sự xa lạ ấy còn được thể hiện rất rõ nét qua ngôn ngữ tác phẩm.

Các câu văn được viết một cách ngắn gọn, dường như tác giả đã cố gắng triệt tiêu một cách tối đa những sắc thái tình cảm có thể bộc lộ qua câu chữ. Mỗi câu văn, giống như Sartre đã nhận xét, là một hòn đảo riêng biệt trong quần đảo xa lạ. Câu chuyện được kể lại bởi chính Meursault - người kể chuyện ngôi thứ nhất. Thế nhưng trong cả tác phẩm đó, người kể chuyện lại dường như là một người bàng quan, một người ngoài cuộc quan sát sự việc bằng một thái độ ơ hờ.

Toàn bộ phần I của tiểu thuyết được viết theo kiểu nhật kí, nhưng là một nhật kí được viết bằng một giọng văn trắng. Meursault chỉ thuần tuý liệt kê các sự kiện, và liệt kê một cách chi tiết đến mức tạo thành một sự chồng chất các hành dộng khiến cho người đọc có cảm giác như đang xem một đoạn băng theo dõi người máy. Meursault không hề có một giải thích nào cho hành động của mình; chính anh ta cũng không hiểu và không cần, không muốn tìm hiểu mình muốn gì, nghĩ gì, cần gì, nên làm gì. Anh ta như kẻ lữ hành cô độc trong hoang mạc của sự hôn mê.

Giọng văn đó, một mặt, khiến cho người đọc thật sự cảm nhận sự xa lạ của nhân vật, sự cô đơn lẻ loi của anh ta trong xã hội; mặt khác, nó lại mang đến cho tiểu thuyết một sự khách quan đặc biệt để người đọc có thể và buộc phải tự mình khám phá chiều sâu tâm hồn và tính cách nhân vật chính.

Người xa lạ là một tiểu thuyết - triết lí được kể lại bởi nhân vật chính trong tác phẩm. Dường như các đối thoại đã được người kể chuyện gián tiếp hoá, nên người đọc không dễ dàng nhận ra đặc điểm ngôn ngữ - tính cách nhân vật. Nhưng, chỉ cần qua những đoạn đối thoại được kể lại của Meursault, có thể nhận thấy sự mơ hồ, bị động và xa lạ của anh ta đối với toàn thể xã hội.

Trong Người xa lạ, nhân vật sử dụng rất nhiều từ chỉ sự mơ hồ: hình như, chắc là, có lẽ… cũng như rất nhiều hình thức phủ định: không biết, không chắc, không hiểu… Cả một tập hợp từ đó đã mang đến cho tiểu thuyết một sự mơ hồ nào đó khiến cho chính người đọc dường như cũng bị lạc vào trong một mê cung không có lối thoát nào khác của các hành động - mà Meursault chỉ thuần tuý thuật lại chứ không hề giải thích lí do hành động. Những câu nói của Meursault ngắn gọn, khô khan và xa cách; tạo cảm giác đó là những đối thoại của một người không tham dự cuộc chơi, không muốn tham dự cuộc chơi.

Chính vì vậy, nhân vật Meursault, tưởng như là một con người đơn giản, một kẻ phạm tội khốn khổ đã được ánh mặt trời chiếu rọi đến những góc sâu kín của cuộc đời, nhưng thật ra lại là một con người không hề đơn giản và dễ hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét