PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1: MEURSAULT - NHÂN VẬT PHI LÝ
CHƯƠNG 2: RIEUX VÀ TARROU - NHỮNG NHÂN VẬT PHẢN KHÁNG VÀ TẬP HỢP
CHƯƠNG 3: CLAMENCE - NHÂN VẬT SÁM HỐI
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Camus là nhà văn khởi nghiệp từ khi còn trẻ, và cái chết phi lí đã buộc ông phải từ giã nơi lưu đày và vương quốc khi đang trong thời kì sáng tác sung mãn, khiến ông không thể hoàn thành rất nhiều những công việc còn đang dang dở. Trong 47 năm tuổi đời và 27 năm tuổi nghề; Camus chỉ sáng tác năm tiểu thuyết: Cái chết hạnh phúc; Người xa lạ; Dịch hạch; Sa đoạ; Người đàn ông đầu tiên; trong số đó Cái chết hạnh phúc - tác phẩm duy nhất Camus gọi là tiểu thuyết là tác phẩm đầu tay nhưng lại chưa hoàn thành; còn tác phẩm Người đàn ông đầu tiên chỉ được xuất bản 24 năm sau khi ông mất. Cái chết hạnh phúc - như trong chuyên luận Tiểu thuyết A.Camus trong bối cảnh tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX, tác giả Trần Hinh đã chỉ ra rất rõ, là anh em sinh đôi của Người xa lạ. Người đàn ông đầu tiên lại là tác phẩm mang đậm tính tự truyện; nhưng nếu Sa đoạ là tự truyện của nhân vật thì Người đàn ông đầu tiên lại có thể được coi như một tự truyện của chính tác giả. Nhân vật chính Jacques Cormery được sinh ra vào một buổi tối mùa thu 1913 trong một ngôi làng nhỏ gần Alger. Cậu bé cũng có một người cha bị tử thương trong chiến tranh vào tháng 11 năm 1914. Năm 14 tuổi, cậu bé Jacques rời nhà đi Saint-Brieuc, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm cha. Trong cuốn tiểu thuyết tự truyện này, Camus đã dựng lại gần như toàn bộ những tư tưởng đạo đức và triết học của ông (dưới hình thức là những tư tưởng của người cha). Cũng trong tác phẩm này, Camus đã làm sống lại tuổi thơ nghèo khổ mà cũng giàu có và hạnh phúc của chính mình; làm sống lại những tháng ngày sống cùng người bà nghiêm khắc, người mẹ luôn nhẫn nhục và im lặng mà cậu bé Jacques (hay chính Camus) đã yêu với một tình yêu thương sâu sắc nhưng câm lặng. Ông cũng làm sống lại những tháng ngày ấu thơ tràn ngập hạnh phúc nhờ vào những niềm vui thích giản dị xuất phát từ sự gắn bó với mặt trời, với biển, bóng đá và bạn bè.
Điểm đặc biệt là, không giống những tự truyện khác như Những chữ (Sartre) hay Thời thơ ấu (Sarraute) được viết theo trật tự thời gian tuyến tính; Người đàn ông đầu tiên là một hành trình quay ngược trở lại tuổi thơ của nhân vật chính, với sự xen kẽ giữa cuộc đi tìm cha và kí ức tuổi thơ của mình. Người đàn ông đầu tiên, thật sự có thể soi tỏ rất nhiều những tiểu thuyết trước của Camus, cả về mặt tư tưởng và nhân vật.
Tuy nhiên, do nhiều lí do, chúng tôi không thể khảo sát tác phẩm này (cũng như tiểu thuyết Cái chết hạnh phúc) mà chỉ tập trung phân tích bốn nhân vật trong ba tiểu thuyết Camus - ba tác phẩm chính và cũng được nhiều người biết đến nhất; và ở góc độ nào đó, có thể được coi như đã gói gọn toàn bộ sự nghiệp tiểu thuyết Camus.
Qua những phân tích đó, chúng tôi rút ra một số nhận xét:
1. Từ Meursault đến Clamence, nhân vật tiểu thuyết Camus đã thể hiện rõ sự đa dạng và thống nhất trong tư tưởng nhà văn.
Người xa lạ đã được Camus xếp vào trong hệ thống những tác phẩm viết về cái phi lí, còn Dịch hạch lại nằm trong hệ thống tác phẩm viết về sự phản kháng. Ngay từ khi viết Người xa lạ Camus đã có những ý tưởng cho Dịch hạch; hay nói cách khác, ông đã đồng thời xây dựng ý tưởng cho cả hai hệ thống tác phẩm. Nhân vật tiểu thuyết Camus, vì thế, vừa mang tính phi lí lại vừa thể hiện sự phản kháng.
Tuy nhiên, ở Người xa lạ, Camus nhấn mạnh tính phi lí trong nhân vật Meursault; còn ở Dịch hạch, ông chủ yếu làm nổi bật sự phản kháng của hai nhân vật chính. Từ Meursault đến Rieux và Tarrou, nhân vật tiểu thuyết đã đi từ phân li đến tập hợp; từ phản kháng cá nhân đến phản kháng cộng đồng; từ phản kháng bằng hình thức chấp nhận - thụ động đến phản kháng bằng đấu tranh - chủ động. Từ Meursault đến Rieux và Tarrou, nhân vật tiểu thuyết Camus cũng đi từ bi quan đến chủ quan (dĩ nhiên là sự chủ quan nhuốm màu sắc bi quan; sự bi quan này là một đặc điểm chi phối toàn bộ tác phẩm Camus). Tuy nhiên, trong khi giữa Meursault và Tarrou có nhiều nét tương đồng (do cùng là nhân vật phi lí) thì Meursault và Rieux lại rất khác nhau. Cho dù Rieux cũng là một nhân vật truyền tải những tư tưởng về cái phi lí của Camus, nhưng Rieux, đồng thời, lại là đại biểu mang tính thuyết phục cao nhất cho tư tưởng Camus về phản kháng và tập hợp. Vì thế, nếu coi Meursault là một nhân vật phi lí - phân li thì Tarrou có thể gọi là nhân vật phi lí - tập hợp, còn Rieux là nhân vật phản kháng - tập hợp.
Đến Clamence, nhân vật tiểu thuyết Camus lại trở về với sự phân li đậm đặc. Clamence có thể được coi là nhân vật hiện sinh - phân li; và đồng thời, nhân vật này cũng là một nhân vật bi quan. Clamence thật sự là một nhân vật phức tạp và rất khó đoán định. Ở anh ta, bề trái và bề mặt, xấu và tốt, bóng tối và ánh sáng, lưu đày và vương quốc... gắn bó một cách vô cùng khăng khít. Nhưng, nếu ở Meursault, bề trái và bề mặt ấy gần như cân bằng; nếu ở Rieux và Tarrou bề mặt được khẳng định mạnh mẽ (nhân vật càng chịu đựng những bề trái của hoàn cảnh sống thì lại càng thể hiện rõ bề mặt trong tính cách và hành động) thì với Clamence, bề trái rõ ràng đã lấn át bề phải (cả về hoàn cảnh sống, tính cách, hoạt động, nhận thức). Cũng là nhân vật phi lí nhưng trong khi Meursault thụ động thì anh ta lại hoàn toàn chủ động, Meursault mơ hồ thì anh ta hoàn toàn sáng suốt, Meursault lạnh lùng thì anh ta lại càng dấn thân, cuồng nhiệt. Anh ta là một nhân vật hai mặt, một con người mang mặt nạ, một kịch sĩ giữa đời thường. Anh ta không lúc nào có được sự thanh thản. Anh ta luôn phải đấu tranh với chính mình (các nhân vật tiểu thuyết trước của Camus không hề có những đấu tranh gay gắt như thế).
Như vậy, từ Meursault đến Clamence, nhân vật tiểu thuyết Camus đã đi từ bị động đến chủ động, vô thức đến hoàn toàn nhận thức được về mình. Nhưng cũng từ Meursault đến Clamence, nhân vật tiểu thuyết Camus lại hoàn thành một vòng tròn từ bi quan đến chủ quan rồi lại trở lại bi quan, từ phân li, tập hợp rồi lại phân li. Chính sự phát triển đó đã thể hiện rõ tính phức tạp trong tư tưởng, sáng tác Camus.
2. Sự vận động của nhân vật tiểu thuyết Camus đã thể hiện những mâu thuẫn và chuyển biến trong cuộc đời và nhận thức của nhà văn.
Người xa lạ được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942; Dịch hạch được bắt đầu viết vào năm 1941 và xuất bản lần đầu năm 1947; còn Sa đoạ thật sự chỉ được Camus bắt tay vào sáng tác cuối năm 1955 và được xuất bản lần đầu năm 1956.
Nhìn vào các mốc trên, có thể thấy hai tác phẩm Người xa lạ và Dịch hạch đã được Camus suy ngẫm ý tưởng từ lâu và cũng được viết trong một thời gian dài. Camus viết Người xa lạ năm 1938, nhưng Cái chết hạnh phúc - người anh em sinh đôi với nó - thì lại được Camus bắt tay vào viết từ 1936. Trong nghiên cứu của mình, tác giả Trần Hinh cũng chỉ ra rất rõ tính liên-văn bản trong cốt truyện Người xa lạ thể hiện qua các sáng tác từ 1934 đến 1940 của Camus. Dù ít dù nhiều, Người xa lạ đã chịu ảnh hưởng của những kí ức tuổi thơ, những kinh nghiệm sống và những tư tưởng, quan niệm của Camus về cuộc đời, cuộc sống. Xóm nghèo Belcourt, thành phố Alger, không khí oi bức, cái nắng như thiêu như đốt, biển cả, đêm tối, sự mát mẻ .v.v. tất cả những cái đó đều có sự gắn bó đặc biệt với cậu bé Camus. Chủ đề nghèo khổ và cô đơn, cái phi lí, cái nhìn sự vật ở bề trái và bề mặt đã tồn tại trong nhận thức Camus từ khi ông còn là một đứa trẻ; khi ông sống trong trọn vẹn cô đơn và hạnh phúc, nghèo khổ và giàu có; khi ông cảm nhận được tất cả giao hòa với thiên nhiên và cuộc sống.
Cho đến khi viết Dịch hạch, thế giới phi lí đó vẫn tồn tại, những kí ức tuổi thơ đó vẫn hằn dấu, nhưng trong tư tưởng và cuộc đời Camus đã có những biến đổi. Trong sáu năm kể từ khi dự định cho đến khi kết thúc Dịch hạch, cuộc sống Camus đã có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến quá trình hoàn thành tác phẩm.
Camus đã bắt đầu viết Dịch hạch trong thời gian sống ở Oran, thành phố dịch hạch trong tiểu thuyết. Ông đã tham khảo nhiều tài liệu về các nạn dịch lớn xảy ra gần thời gian đó và cũng tham khảo nhiều tác phẩm văn học, đặc biệt là Cá voi trắng (Melville), một biểu tượng cho cuộc chiến chống lại cái ác - cũng là một sự phản kháng chống lại dịch hạch mà Camus muốn thể hiện trong tác phẩm của mình.
Trong suốt thời gian viết Dịch hạch, Camus đã thấu hiểu sâu sắc những dịch hạch mang tính biểu tượng: chiến tranh, chủ nghĩa phát xít, sự kì thị chủng tộc... cũng như những hậu quả mà nó gây ra: nỗi đau, sự chia li... Camus đã tận mắt chứng kiến những người bạn của mình phải chịu sự khủng bố của nạn kì thị chủng tộc, ông đã thật sự thấu hiểu sự cô đơn, hoang mang và bất hạnh của những người dân Do Thái (không phải đến khi Đức chiếm đóng thành phố mà từ trước đó, sự kì thị đối với những người Do Thái đã tồn tại trong Oran). Cũng vào thời kì sống ở Oran này, việc dạy học đã khiến Camus không có thời gian ra ngoài hay đi du lịch, ngay cả đến việc đọc một quyển sách cũng rất khó khăn. Đối với ông, mỗi ngày đều dài dằng dặc và nặng nề; ông cũng thật sự cảm thấy rất cô đơn. Sau đó, ông lại bị bệnh lao hành hạ. Vừa chịu nỗi đau thể xác, Camus vừa phải chịu đựng những đau đớn về mặt tinh thần, khi chiến tranh buộc ông phải xa cách gia đình. Cô đơn, không tiền bạc, đối diện với mùa đông đang đến gần và đứng trước sự chiếm đóng và tàn sát của quân phát xít, Camus đã thực sự trở thành một tù nhân trong thành phố dịch hạch.
Nhưng, lần này, thái độ của Camus đối với cái phi lí đã khác với khi ông sáng tác Người xa lạ. Bận rộn với công việc và đấu tranh; gia nhập phong trào kháng chiến và làm báo; văn chương Camus đã dần dần từ bỏ đề tài cô đơn để đến với tinh thần đoàn kết. Dịch hạch của Camus đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống lại cái ác, biểu tượng cho sự phản kháng tích cực của con người.
Nhưng, sự lạc quan đó của Camus, tinh thần phản kháng tích cực đó không còn tồn tại trong tác phẩm tiếp theo - Sa đọa. Bắt đầu viết vào cuối 1955 và kết thúc (hoặc gần như kết thúc) vào đầu tháng 1 năm 1956, Sa đọa là biểu tượng cho sự lưu đày (l’exil), là một tác phẩm viết về lưu đày.
Sự bi quan và thái độ im lặng của Camus trong thời gian này là một điều dễ hiểu. Ông đã không ngừng bị giày vò bởi cuộc chiến Algérie - cuộc chiến đã giết hại biết bao người ở mảnh đất mà nhà văn đam mê gắn bó. Ngay sau Chiến tranh thế giới II và đặc biệt kể từ tháng 8 năm 1954 khi Mặt trận dân tộc giải phóng Algérie được thành lập, cuộc đấu tranh của nhân dân Algérie đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Nhưng thực dân Pháp cũng đã điều động máy bay, xe tăng và pháo binh đến càn quét, đàn áp cuộc khởi nghĩa vũ trang. Thành phố Alger, vùng đất trời Địa Trung Hải gắn bó với Camus như một phần cơ thể đã bị tắm trong máu, đạn. Cuộc sống thật sự là chốn lưu đày.
Camus đã từng nói với Marie Casares, thư kí của mình, rằng Sa đọa không phải là một bản thú tội, mà là “linh hồn thời đại, dù là linh hồn sám hối của thời đại”. Sa đoạ không phải một bản thú tội, cũng có nghĩa nó không phải là lời sám hối của Albert Camus, dù chính nhà văn (theo lời thư kí của ông), đã từng chứng kiến một vụ tự tử trên cầu Nghệ Thuật mà ông cảm thấy hối hận vì đã không cứu nạn nhân. Sa đoạ mang ý nghĩa sâu sắc hơn là một bản thú tội của tác giả. Nó là biểu tượng cho sự lưu đày, là sự truyền tải những tư tưởng của Camus về sự lưu đày, vốn đã hình thành từ lâu trong nhận thức Camus khi ông phân chia thế giới thành hai bề trái - phải. Nhưng, dù sao đi nữa Sa đoạ thể hiện sự bi quan chứ không phải là tuyệt vọng; và nhân vật Clamence đã thể hiện sự tích cực qua hành động phản kháng bằng sự lưu đày và phản kháng chống lại chính sự lưu đày đó.
3. Việc phân tích nhân tích giúp chúng tôi có thể đưa ra một vài đặc điểm phong cách nghệ thuật của nhà văn
- Tính đa dạng và thống nhất:
Từ Người xa lạ đến Sa đoạ, Camus chỉ viết vẻn vẹn có ba tiểu thuyết trong vòng 18 năm; nhưng mỗi tác phẩm “mang một phong cách khác nhau” (dẫn theo [13;141]).
Tuy nhiên, tính đa dạng trong ba tiểu thuyết lại nằm trong sự thống nhất phong cách của Camus. Dù đậm dù nhạt, cả ba tiểu thuyết đều thể hiện hai yếu tố phân li và phản kháng, “mà ông cho rằng đó là con đường từ khám phá hiện thực đến sáng tạo nghệ thuật” [13;139]. Cả ba tiểu thuyết đều có đầy đủ những yếu tố nước đôi (vốn đã góp phần hình thành bề trái và bề mặt trong nhân vật), tính truyền thống và biểu tượng, sự gắn bó với thiên nhiên.
Sự thống nhất trong đa dạng hay sự đa dạng thống nhất đó chính là một nét độc đáo của tiểu thuyết Camus, phong cách Camus.
- Tính cổ điển và cách tân
Quả thật, trong thế giới của Joyce, Proust, Faulkner... sự giản dị trong các sáng tác của Camus thật sự là một điều xa lạ. Camus “đã tìm sự mới mẻ riêng của mình bằng cách kế thừa truyền thống văn chương tư tưởng Pháp” [13;134]. Các tiểu thuyết của ông có cốt truyện rõ ràng, lối kể chuyện ngắn gọn, cô đúc. Có thể nói, nhìn bề ngoài, lối viết tiểu thuyết của Camus rất cổ điển, không có sự vi phạm các yếu tố truyền thống như cốt truyện, nhân vật, từ ngữ, cấu trúc câu... Nhưng thật sự, trong các tác phẩm đó, có một sự cách tân rất lớn.
Ngay tính nước đôi trong thể loại đã thể hiện một sự phản-tiểu thuyết. Sự xa lạ của nhân vật qua cách kể từ ngôi thứ nhất, kiểu nhân vật kép với điểm nhìn di chuyển, tính nước đôi trong phương thức kể chuyện... không phải đã chỉ ra những nét hiện đại trong nghệ thuật tiểu thuyết Camus? Chối bỏ trò chơi kĩ thuật, đứng ngoài lề của cuộc đảo chính hòng lật đổ những quan niệm tiểu thuyết truyền thống bằng cách giết chết nhân vật, huỷ diệt thời gian... Camus không phải không cố gắng làm mới tiểu thuyết. Chỉ có điều, ông làm mới dựa trên sự tiếp thu và phát triển cái truyền thống.
- Tính nước đôi
Ngay từ thời thơ ấu, Camus đã có ý thức phân chia cuộc sống thành hai bề trái - phải. Trong tư tưởng của ông, cả hai bề đối lập đó đều cùng tồn tại, tác động qua lại lẫn nhau. Con người cũng chỉ có thể tận hưởng trọn vẹn những cảm xúc mà bề phải mang lại sau khi đã nhận thức được bề trái của sự vật. Trong suốt quá trình sáng tác và đặc biệt qua các nhân vật tiểu thuyết, Camus đã luôn thể hiện cái nhìn cuộc đời, cuộc sống dựa trên hai dấu hiệu đối lập đó. Chính nó đã ảnh hưởng đến toàn bộ sáng tác của Camus, khiến cho tính nước đôi đậm đặc trong tác phẩm của ông trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Tính biểu tượng
Có thể nói, một đặc điểm quan trọng hình thành phong cách nghệ thuật Camus chính là tính biểu tượng trong các tác phẩm của ông. Vừa có những biểu tượng riêng biệt trong từng tác phẩm lại vừa có cả một hệ thống biểu tượng chi phối toàn bộ các sáng tác của Camus; vừa có các nhân vật biểu tượng lại có các không gian biểu tượng (vừa là không gian lưu đày vừa là không gian vương quốc), hình ảnh biểu tượng (dịch hạch, mặt trời, biển, bầu trời đêm...). Chính các biểu tượng đó đã đóng vai trò quan trọng trong thể hiện tính cách nhân vật và tư tưởng của tác giả.
4. Các nhân vật đã truyền tải thông điệp của Camus, góp phần khẳng định sức sống của tác phẩm và giá trị tư tưởng của Camus.
Có thể Camus không được coi là một nhà triết học, nhưng ông đã thể hiện trong các tác phẩm của mình khá nhiều tư tưởng triết học đáng chú ý, đặc biệt là những tư tưởng của ông về cái phi lí.
Ba tiểu thuyết thành công đánh dấu ba thời kì sáng tác với những chuyển biến và kế thừa; quả thật Camus có thể tự hào về những gì mình đã đạt được trên phương diện là một nhà văn. Là một nhà văn phi lí và một nhà văn hiện sinh chủ nghĩa; các sáng tác của ông đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian khi rất nhiều tác phẩm văn học phi lí và văn học hiện sinh chủ nghĩa không còn chỗ đứng trên văn đàn. Có thể còn có nhiều lời bàn cãi về sức sống của các tác phẩm Camus, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận được là cho đến tận ngày nay, các tác phẩm của Camus vẫn còn giá trị và ảnh hưởng đối với văn học thế giới; thậm chí ở Việt Nam, cho đến những năm gần đây, tác phẩm Camus mới được hiểu một cách đúng đắn.
Dĩ nhiên, có thể có nhiều người phê phán tính bi quan trong các sáng tác của Camus, nhưng đặt tác phẩm vào trong điều kiện lịch sử thời kì Camus sáng tác cũng như đặt vào trong sự hiểu biết về cuộc đời và tư tưởng của nhà văn, người đọc hoàn toàn có thể hiểu được thái độ của Camus.
Qua ba tiểu thuyết được chúng tôi khảo sát trong khoá luận này, có thể thấy quả thực các tác phẩm Camus đã viết về những vấn đề đặt để đối với nhân loại ngày nay. Các biểu tượng chồng chất trong các tiểu thuyết của ông càng khẳng định giá trị của các tác phẩm đó.
Camus đã viết về cái phi lí, sự phản kháng và lưu đày trong cuộc sống của con người hiện đại. Các tác phẩm của ông, bằng cách này hay cách khác, đã buộc con người phải nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại cuộc sống của mình. Có thể có những người không tán đồng với cách giải quyết của Camus hay không ủng hộ thái độ của ông khi đối diện với cái phi lí, đối diện với những vấn đề thời đại; nhưng dù có như thế thì họ vẫn không thể phủ nhận những vấn đề Camus đã đặt ra, không thể dửng dưng trước những câu hỏi tại sao đã ám ảnh con người hằng bao thế kỉ.
Trong ba tiểu thuyết của Camus, Dịch hạch được giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc đánh giá cao cả về giá trị nội dung và tư tưởng. Thông qua hình ảnh ẩn dụ dịch hạch, biểu tượng cho cái Ác, cho chiến tranh, cho những cái tăm tối phá huỷ con người và những gì thuộc về con người, Camus đã đưa ra một lời cảnh báo với toàn nhân loại về hiểm hoạ cái Ác. Cũng thông qua sự phản kháng của các nhân vật trong tác phẩm, Camus đã thể hiện một thái độ tích cực là phải đương đầu với cái ác, cái xấu; đương đầu với chiến tranh, hiểm hoạ, cho dù những sự phản kháng ấy có tuyệt vọng, có vô ích đi chăng nữa. Dịch hạch cũng là lời phủ định của Camus đối với những cầu viện nơi các đấng siêu hình; đồng thời là sự khẳng định vào sự tồn tại của những con người trung thực bình thường.
Trong khi đó, ở Người xa lạ và Sa đoạ, hai tác phẩm mang đậm tư tưởng bi quan của Camus, người đọc vẫn không thể phủ nhận những đóng góp của chúng đối với nhận thức của nhân loại. Cái phi lí mà tác giả thể hiện trong Người xa lạ, rõ ràng đã dạy cho con người phải biết thẳng thắn nhìn thẳng vào những phi lí cuộc đời. Ngay cả sự sám hối, sự giày vò và thái độ đóng kịch của anh chàng Clamence cũng thế thôi.
Dĩ nhiên, mỗi người đọc sẽ lại có một cách nhìn riêng về tác phẩm và nhân vật. Có thể có những cách hiểu hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng rõ ràng những gì Camus gửi gắm trong các tác phẩm của mình hoàn toàn không phải là những vấn đề đơn giản. Nó sẽ còn thách thức nhận thức của người đọc trong nhiều thế hệ nữa. Và có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng chừng nào trên thế giới còn tồn tại cái phi lí, sự giả dối, tồn tại chiến tranh, bất công và những dịch hạch tâm hồn, thì chừng ấy các tác phẩm của Camus sẽ vẫn còn giá trị. Nó không chỉ có giá trị cảnh báo mà còn thức tỉnh, không chỉ đưa ra những vấn đề đặt để trước nhân loại ngày nay mà còn đề xuất những cách giải quyết vấn đề đó.
Trên phương diện nghệ thuật, các tác phẩm của Camus cũng khẳng định được giá trị đích thực của mình. Kế thừa truyền thống và tiếp thu những nét hiện đại, tiểu thuyết Camus đã xây dựng được một phong cách nghệ thuật riêng biệt độc đáo. Không quá mới mẻ đến mức không hoà nhập được với nền tiểu thuyết thế giới như kĩ thuật viết tiểu thuyết phản tiểu thuyết của các nhà tiểu thuyết hiện đại; cũng không quá cổ điển đến mức nhàm chán như lối viết tiểu thuyết truyền thống; kĩ thuật viết của Camus là một sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, là sự cách tân trong tính truyền thống. Chính vì thế, nó xứng đáng được các thế hệ sau và ngay cả thế hệ đương thời tiếp thu, học hỏi.
5. Qua phân tích nhân vật, chúng tôi cũng rút ra một vài điểm tương đồng và khác biệt giữa Camus và một vài nhà văn khác, cụ thể là Kafka (so sánh trong hệ thống văn học phi lí) và Sartre (so sánh trong hệ thống văn học hiện sinh)
So với Kafka, Camus là một người đi sau; và chính ông đã bổ sung, phát triển quan niệm về cái phi lí của Kafka. Nếu Kafka đại diện cho cái phi lí khách quan thì Camus đại diện cho cái phi lí chủ quan. Các nhân vật của Kafka sống giữa cái phi lí, chịu tác động bởi cái phi lí và bất lực trong nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho những nhận thức về cái phi lí. Cho đến tận cuối cuộc đời mình, các nhân vật của Kafka vẫn không thể hiểu được về cái phi lí, họ hoàn toàn bị động trong cuộc sống phi lí.
Trong khi đó, nhân vật của Camus, cho dù lúc đầu cũng bị động, không nhận thức được về tình trạng phi lí của mình; nhưng cuối cùng đã hiểu rõ cái phi lí, hiểu rõ tình trạng của mình. Hơn thế nữa, các nhân vật của Camus còn phản kháng chống lại cái phi lí đó.
Một điểm đặc biệt nữa trong các tiểu thuyết phi lí của Camus là ông đã xây dựng các nhân vật phi lí trong sự phát triển. Từ L’Étranger đến Dịch hạch, nhân vật phi lí Camus đi từ bị động đến chủ động, từ vô thức đến ý thức, từ bình thản chấp nhận đến kiên quyết đấu tranh...
Chính đó cũng là điểm khác biệt chủ yếu giữa Kafka và Camus.
Còn với Sartre, rõ ràng, ngay từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành và rồi đến tận lúc từ giã chốn lưu đày, Sartre và Camus đã có rất nhiều khác biệt. Sinh ra và lớn lên ở Paris trong sự yêu thương, đùm bọc của ông ngoại và bước vào thế giới sách vở ngay từ khi còn nhỏ; cuộc sống của Sartre gần như khác biệt hoàn toàn với cuộc sống của Camus - một chú bé sinh ra và lớn lên trong khu phố nghèo ở đất nước Algérie, vốn lúc này vẫn đang là thuộc địa của Pháp. Chính vì thế, trong khi Sartre có thể mạnh mẽ khẳng định con người chỉ thật sự là mình trong hành động, con người phải làm chủ bản thân mình; thì Camus luôn luôn bị ám ảnh bởi ánh mặt trời, bởi biển cả và gió đất cũng như bị ám ảnh bởi tính hai mặt của cuộc sống đến mức độ không thể không bị chi phối bởi cảm giác bị những cái siêu nhiên, mơ hồ bủa vây. Chính vì thế, các nhân vật của Camus luôn bị tác động bởi những yếu tố tự nhiên, trở thành một món đồ trong bàn tay số phận. Nhưng, cũng chính vì nhìn thấy sự tồn tại của sự vật trên hai bề trái - phải mà các tác phẩm của Camus vẫn ngập tràn ánh sáng và rạng ngời tình yêu với vùng Địa Trung Hải; trong khi Sartre lại nhìn tự nhiên ở cái bề thẳm sâu đen tối và trong khi nhân vật của ông phải sống trong một không gian ẩm thấp, tối tăm - một không gian lưu đày thật sự. Chủ nghĩa nhân ái, đối kháng, sở thích hạnh phúc và tình yêu “hình dáng đẹp” [18;57] ở Camus đối ngược với sự “dấn thân chính trị, cách mạng, ám ảnh bởi tội lỗi, ngán ngẩm “văn chương” ở Sartre”[18;57].
Lẽ tất nhiên, chúng tôi không muốn và cũng không thể so sánh độ hơn thua giữa hai nhà văn đó. Nhưng có một điều rõ ràng, như chính nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào đã nhận xét, “nếu Sartre chủ yếu là nhà tư tưởng ngay trong văn chương, thì Camus thực sự là một nghệ si ngay khi phát biểu những quan điểm hiện sinh” [15;275]. Và, dù thiếu đi bất kì ai trong hai người đó, văn học Pháp sẽ bị tổn thất thật sự.
Tóm lại:
Cuộc sống luôn tồn tại với hai mặt trái - phải song song. Cái nhìn một chiều chính là cái nhìn giết chết cuộc sống. Không phải chỉ riêng Camus mà còn nhiều nhà văn, nhà nghệ sĩ khác cũng nhìn nhận và chấp nhận thế giới trong sự tồn tại hai mặt đó. Chỉ có điều, ở Camus, nó đã trở thành đặc điểm chủ yếu chi phối thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Vấn đề bề trái và bề mặt là vấn đề quan trọng nhất trong tư tưởng, sáng tác của Camus. Chính vì nhìn sự vật theo cái nhìn nhị nguyên đó mà trong tư tưởng và tác phẩm của Camus luôn tồn tại một khối mâu thuẫn không dễ dàng giải quyết và cũng chưa từng được giải quyết.
Bề trái và bề mặt trong các nhân vật tiểu thuyết Camus được biểu hiện trên mọi mặt của cuộc sống. Từ tiểu thuyết đầu tiên đến tiểu thuyết cuối cùng, nhân vật Camus đã có bước phát triển trên mọi phương diện. Chính sự phát triển đó đã chứng minh tính đa dạng trong phong cách nghệ thuật Camus cũng như chứng minh sự phức tạp trong tư tưởng của ông.
Nhân vật tiểu thuyết Camus đã truyền tải thành công những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm, góp phần hình thành một chủ nghĩa hiện sinh mang màu sắc riêng biệt của nhà văn. Mỗi nhân vật vừa đậm tính bi quan nhưng lại cũng đầy lạc quan. Qua nhân vật, Camus đã bộc lộ rõ cái nhìn cuộc sống cũng như thái độ sống của mình. Và dù còn có nhiều ý kiến trái ngược nhưng chúng ta không thể không nhìn nhận những đóng góp của Camus đối với văn học hiện đại trên cả phương diện tư tưởng và nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện sinh có thể phai mờ và thậm chí hoàn toàn mất đi ảnh hưởng của nó nhưng những tác phẩm của Camus nói chung và những tiểu thuyết của Camus nói riêng sẽ vẫn còn những giá trị nhất định.
Cuối cùng, có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng Camus đã thật sự dấn thân không chỉ trong cuộc sống bình thường mà trong cả nghệ thuật. Ông đã sống, đã viết với một thái độ trung thực và luôn luôn hết mình. Chỉ một thái độ đó thôi đã đủ để Camus trở thành một tấm gương cho những người đi sau trân trọng và học tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét