Subscribe

RSS Feed (xml)

Powered By

Skin Design:
Free Blogger Skins

Powered by Blogger

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

CLAMENCE - NHÂN VẬT SÁM HỐI (BỀ TRÁI VÀ BỀ MẶT TRONG CÁC NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT CỦA ALBERT CAMUS - CHƯƠNG 3)


Từ Người xa lạ đến Dịch hạch, nhân vật của Camus đã thực hiện một hành trình dài từ phân li đến tập hợp; và đến Sa đọa (xuất bản lần đầu năm 1956) nhân vật của ông lại trở về nguyên vẹn là con người phân li và hiện sinh.

Trong Sa đọa, cuốn tiểu thuyết - tự truyện được kể lại dưới hình thức đối thoại với người nghe vô hình, nhân vật chính Jean-Baptiste Clamence (“mà không phải là đích danh của tôi” [5;25]) đã dựng lên câu chuyện cuộc đời mình từ quá khứ đến hiện tại trên hai bề trái - phải. Cuộc đời anh ta là cuộc đời hai mặt của một kẻ hai mặt: từ tính cách, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống .v.v. đều được phơi bày ra trên cả bề trái lẫn bề phải của nó. Là một trạng sư ở thành phố Paris thành đạt trên mọi phương diện, anh ta tự coi mình là một kẻ thống trị đầy quyền uy cho đến một ngày kia, khi đột nhiên nhận ra tính hai mặt trong tính cách và thành công của mình. Anh ta bị ám ảnh bởi cái chết của một người phụ nữ ngã xuống dòng sông Seine mà anh ta không dám cứu; bởi hành động chiếm lấy phần nước cuối cùng ít ỏi và vô ích của một người bạn tù; bởi cái mặt trái trong tính cách của mình; đến mức trở nên sa đọa, phải rời Paris đến Amsterdam, tự lưu đày mình cả về mặt tinh thần và thể xác. Anh ta trở thành một quan-toà-sám-hối, kiếm tìm vô vọng sự giải thoát cho mình.

Sa đọa được chia thành 6 phần, có thể được coi như lời tự thú của Clamence trước một người nghe vô hình trong khoảng thời gian 5 ngày, với không gian di chuyển từ quán bar Mexico-City cho tới chiếc cầu, biển cả và nhà riêng anh ta. Trong 6 phần đó, cả cuộc đời của Clamence đã được tái hiện lại trước mắt người đọc, với tất cả vinh quang và suy sụp, đi tới những phần tươi sáng nhất trong bề mặt, cũng như những phần u tối nhất trong bề trái của nhân vật.

3.1. Clamence - Kịch sĩ bị lưu đày
3.1.1. Clamence - kịch sĩ

Clamence đã tự giới thiệu mình một cách ngắn gọn: Jean-Baptiste Clamence - Kịch sĩ. Có lẽ đó là từ ngắn gọn nhất để chỉ tính hai mặt trong con người và cuộc sống của anh ta. Clamence đã biến cả xã hội quanh anh ta thành một sân khấu lớn mà anh ta là nhân vật trung tâm điều khiển hoạt động của tất cả các nhân vật khác và cũng đồng thời bị điều khiển bởi chính các nhân vật khác. Giống như Meursault, anh ta cũng là một kẻ xa lạ đối với thế giới, nhưng trong khi Meursault xa lạ vì đi ngược lại những qui tắc, giá trị đạo đức thông thường thì Clamence lại xa lạ bởi anh ta luôn đóng kịch, luôn đeo mặt nạ. Nhưng, cũng như Meursault lúc đầu đã không nhận thức được tính phi lí trong sự tồn tại của mình, Clamence cũng đã đóng kịch một cách hồn nhiên đến mức gần như do bản năng. Anh ta cũng tự đề ra những nguyên tắc sống và những qui ước đạo đức theo một cái chuẩn của riêng anh ta - bằng cách đó, anh ta tự tách mình ra, trở thành xa lạ trong thế giới - và tuân thủ một cách nghiêm ngặt những qui tắc đó, để trưng ra trước khán giả một hình ảnh Clamence giả dối, một Clamence đóng kịch ngay khi chỉ có một mình.

Anh ta đi mai táng một viên tham tá của đoàn luật sư trong gió tuyết, vì “thấu rõ rằng sự có mặt (…) sẽ được chú ý và bình luận một cách thuận lợi cho mình” [5;50]. Anh ta ngả mũ chào như chào khán giả sau khi giúp một người mù loà băng ngang đường. Anh ta luôn “xem vợ bạn như một vật thiêng liêng” [5;79], và để tôn trọng nguyên tắc đó, anh ta thôi giao hảo với ông chồng trước khi gian díu với bà vợ… Anh ta đóng kịch một cách thường trực và tài tình đến độ anh ta tự khai tử con người thật của chính mình. Hay, con người thật ấy - một con người không rõ tên - chỉ tồn tại thuần túy; còn con người của kịch trường - một Jean-Baptiste Clamence nào đó mới là người sống thật sự.

Clamence đóng kịch, nhưng điều đặc biệt là anh ta không phải chỉ muốn diễn cho người khác xem; cái làm anh ta quan tâm hơn cả là diễn cho mình xem. Nói cách khác, anh ta sống một cuộc sống hai mặt, chính vì lí do cốt yếu: thoả mãn ham muốn thống trị của mình.

Clamence đã từng thống trị kẻ khác và cũng đã từng bị kẻ khác thống trị. Khát vọng của anh ta là được thống trị tất cả: thiên nhiên, đồng loại và chính mình. “Tôi hằng khao khát làm Chúa thống trị mọi sự” [5;73], “tôi chỉ có thể sống ở đời (…) trong điều kiện này: trên khắp quả địa cầu, hết thảy mọi người, hay đại đa số nhân quần, đều hướng nguyện về tôi, mãi mãi không xác không hồn, không đời sống độc lập, sẵn sàng đáp lời tôi kêu gọi bất luận vào lúc nào, nghĩa là, tự nguyện làm kẻ khô cằn, cho đến ngày tôi rủ lòng chiếu cố tới họ với nguồn ánh sáng của mình” [5;91]. Anh ta bị ám ảnh bởi ham muốn thống trị, giống như một nhân vật trong truyện ngắn Kẻ phản bội hay một linh hồn bối rối: “hùng mạnh, đúng thế, chính đấy là cái từ mà tôi nghiền ngẫm trên đầu lưỡi tôi. Tôi ước mơ đạt được quyền lực tuyệt đối, cái quyền lực bắt mọi kẻ khác phải quì gối, bắt đối thủ phải qui hàng” [5;51]. Cái ước mơ bắt kẻ khác phải quì gối đó đã khiến Clamence trở nên tàn nhẫn, thành một kẻ đê tiện. Anh ta chinh phục và rồi ruồng rẫy một người phụ nữ chỉ để xoa dịu lòng tự ái của mình; anh ta trở thành một Don Juan đối với không biết bao phụ nữ trong khi trói buộc họ bởi lời thề chung thuỷ.
Nhìn nhận ham muốn thống trị ở góc độ tâm lí, có thể hiểu được tính hợp lí trong những hành động của Clamence; một con người luôn muốn đứng trên cao, “cho đến tận những tiểu tiết chi li trong đời sống tôi cũng cần được đứng trên” [5;34], sống với cái ta đây tuyệt đối, chỉ yêu thương duy nhất chính con người mình. Kết hợp giữa ham muốn thống trị - cái ta vị kỉ và sự đóng kịch bản năng; Clamence ngự trị bên trên kẻ khác bằng một vẻ ngoài nhún nhường, từ tốn, chinh phục kẻ khác bằng cái đạo đức giả vờ khiến chính anh ta cũng phải si mê, ngưỡng vọng. Anh ta là chúa tể của chính mình.

Chính cái ham muốn đó, sự ích kỉ đó cũng là một thứ dịch hạch trong tâm hồn, một thứ dịch hạch không bao giờ chết hẳn đã lưu đày con người trong chốn nhân gian.




3.1.2. Không gian lưu đày

Chỉ quan sát trên phương diện tâm lí mới có thể thấy rõ nhất bi kịch của Clamence khi tự lưu đày mình trong một vùng ẩm thấp, sương mù dày đặc; một địa ngục trần gian trên phần đất chót mé của lục địa. Một kẻ say mê độ cao và ánh sáng mặt trời giờ phải sống trong một đất nước nằm dưới mực nước biển và quanh năm sương mù vây hãm. Một con người thanh lịch, hào hoa luôn được đón tiếp trong đèn hoa rực rỡ, giờ lại phải đặt văn phòng tại một quán bar của dân giang hồ, thuỷ thủ. Từng như con chim đại bàng sải cánh trên bầu trời cao rộng, giờ đây anh ta trở thành tù nhân trong nhà tù kí ức của chính mình.

Thành phố Amsterdam, vì thế, trở thành một biểu tượng. Trước hết, đó là biểu tượng của chốn lưu đày. Sau nữa, với kênh ngòi chằng chịt và sương mù dày đặc như trong mê cung, nó là biểu tượng của con đường dẫn đến địa ngục tâm hồn. Rồi quán bar Mexico-City như trung tâm của vũ trụ trở thành biểu tượng cho sự kết án cũng như biểu tượng cho sự xa lạ. Và vịnh Zuydersse “mặt nước lặng lờ, buồn hiu, bất tận và nhoè lẫn với đất liền” biểu tượng cho một chậu nước thánh rửa tội mà Clamence “không bao giờ còn bước chân ra khỏi được” [5;142], hay cũng có nghĩa chẳng bao giờ rửa sạch được tội lỗi của mình.

Với Clamence, nước, biển, đêm tối không còn mang tính tích cực như với các nhân vật trước nữa. Không những thế, nó còn trở thành nỗi ám ảnh, trở thành chứng nhân tội ác và vị quan toà xét xử anh ta. Ở đây, nước, biển, đêm tối đã hiện ra với bề trái của nó; biến Amsterdam thành một chốn lưu đày thực sự. Sương mù dày đặc, biển cả bao la nhưng buồn hiu, bất tận và nhàn nhạt một màu; đêm tối cản tầm mắt con người và bao che cho tội lỗi. Ở Amsterdam, khác hoàn toàn với khung cảnh Alger quen thuộc, mặt trời không chói chang, không khí không oi bức, con người không bị cầm tù trong cái không khí bức bối biến cảnh vật thành ra đậm tính phi nhân. Trong một hoàn cảnh địa lí như thế, con người không còn cần đến đêm tối để được tận hưởng cái mát mẻ, êm đềm và che chở. Amsterdam nằm trong một điều kiện khí hậu hoàn toàn khác. Nó đối lập hoàn toàn với không gian sống quen thuộc của các nhân vật ở Alger hay Oran. Nằm dưới mực nước biển, kênh ngòi chằng chịt, sương mù dày đặc, Amsterdam gợi lên một vẻ ẩm thấp thê lương, một sự mù mịt, u mê, tối tăm, cũng là một cảm giác không có lối thoát nào khác. Chính ở đây, con người lại cần đến ánh sáng để cảm giác mình được sống, cần đến mặt trời để xua đi sự u mê.


3.1.3. Sự lưu đày trong tâm hồn

Với ham muốn thống trị, với sự tôn sùng cái tôi cá nhân của mình, Clamence lẽ dĩ nhiên trở nên dễ bị tổn thương hơn rất nhiều người khác nếu phải đối đầu với những gì động chạm đến lòng kiêu hãnh của anh ta, đến cái khao khát ngự trị trên đỉnh cao của anh ta. Chỉ một chi tiết rất nhỏ nhặt, chỉ một sự kiện tình cờ thoáng qua trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể khiến anh ta bị giày vò, suy nghĩ; khiến anh ta bị hành hạ một cách khổ sở. Cảm thấy mình đã tỏ ra đớn hèn trước đám đông, anh ta đã suốt mấy ngày trời ngốn nghiến một niềm ân hận độc hại. Chính vì thế, dù cho có ở đỉnh cao của danh vọng, anh ta vẫn luôn phải chịu sự lưu đày trong tâm hồn.

Cũng chính con người vị kỉ và thống trị đó, khi phải đối diện với chính mình, đối diện với bề trái trong con người mình, sẽ không tránh khỏi sự dằn vặt. Cuộc đời anh ta như đựơc chia ra thành hai giai đoạn: trước và sau khi ý thức được sự hai mặt của mình. Ở khoảng giữa hai giai đoạn đó, hay bước đệm từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 được hình thành trên ba sự kiện quan trọng: tiếng cười trên cầu, vụ lộn xộn ở đoạn đèn giao thông và cái chết của người phụ nữ trên sông Seine. Cả ba sự kiện, với mức độ đậm nhạt khác nhau, đã trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lí Clamence, kéo anh ta trượt dài theo cái dốc của sự sụp đổ. Anh ta bắt đầu sa đọa, bị ám ảnh, sám hối và tự lưu đày mình. Trong ba sự kiện, tiếng cười trên cầu đóng vai trò hồi chuông thức tỉnh, réo gọi nhận thức của anh ta; vụ lộn xộn khiến anh ta nhận ra mặt trái của hình ảnh đầy vinh quang sáng lạn; còn cái chết của người phụ nữ mà anh ta không dám cứu, không dám nhờ người khác cứu đã khiến anh ta bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi.

Để hiểu rõ hơn sự chuyển biến trong nhận thức của anh ta, chúng tôi đã lập bảng thống kê những tiếng cười (chúng tôi chỉ khảo sát những tiếng cười, không tính đến những cái cười thầm, cười mỉm..) xuất hiện trong tác phẩm.


Khảo sát tiếng cười trong tác phẩm Địa điểm
C1 (Tiếng cười xuất hiện lần 1) Trên cầu Nghệ thuật
C2 (Tiếng cười xuất hiện lần 2) Dưới dòng Seine
C3 (Tiếng cười xuất hiện lần 3) Trong nhà riêng
C4 (Tiếng cười xuất hiện lần 4) Không xác định
C5 (Tiếng cười xuất hiện lần 5) Không xác định
C6 (Tiếng cười xuất hiện lần 6) Không xác định

Vị trí
Sau lưng
dưới cửa sổ
Từ trong bụng
bao vây xung quanh
Từ chốn xa xăm


Thời gian

đêm thu dịu mát

Không xác định
Những đêm quả tình tuyệt diệu
Tâm trạng

Thoả mãn về mình
Phân vân suy nghĩ
Nhớ đến người tình
Tan vỡ ảo mộng về mình
cảm giác thống trị
Chủ thể
Không xác định
bọn trẻ
chính mình
Toàn thể vũ trụ
Không xác định
Đặc điểm
tiếng cười ré
chuỗi cười trôi xa
Tiếng cười vui vẻ rộn ràng
Tiếng bật cười tương tự trên cầu Nghệ thuật

Tiếng cười ré

tràng cười ré
Thật thà, hồn nhiên, gần như thân thiện,
Phản ứng của Clamence
Sửng sốt, trở mình đột ngột
đánh trống ngực dồn hồi
khép cửa sổ, nhún vai
-cười sự biện hộ của mình
-nhận ra sự ích kỉ và giả dối của mình
không đủ sức chịu đựng
-thấy bị xét xử vì những hạnh phúc đã qua

Hoài nghi trở lại
Nhận ra tính hai mặt của mình


Qua bảng miêu tả các tiếng cười trong tác phẩm, chúng tôi nhận thấy mặc dù xuất hiện 6 lần với những đặc điểm vị trí, địa điểm, tâm trạng và thời điểm khác nhau; nhưng tóm gọn lại, tiếng cười trong Sa đoạ chỉ có hai giọng điệu chính: tiếng cười cảnh tỉnh (bao gồm C1; C2; C3) và tiếng cười xét xử (gồm C4; C5; C6).

Tiếng cười cảnh tỉnh là những tiếng cười từ xa vọng lại; xuất hiện trong thời điểm Clamence đang thấy thoả mãn với những vinh quang của mình. Tiếng cười có vẻ hồn nhiên, thân thiện, tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại đeo đuổi, ám ảnh anh ta; khiến anh ta giật mình chột dạ, để rồi nhận ra “cái cười mỉm của mình mang hai mặt” [5;54].

Trong khi đó, tiếng cười xét xử lại là tiếng cười bủa vây anh ta, như lời khẳng định khi anh ta còn đang phân vân, không dám nhìn thẳng bề trái trong con người mình.

Tiếng cười C3 được xác định là tiếng cười vui vẻ rộn ràng của bọn trẻ trên đường phố; nhưng thật ra tiếng cười này xuất hiện chỉ như làm nhiệm vụ an ủi, lừa phỉnh Clamence. Tiếng cười C3 giúp anh ta cảm thấy tính vô hại của cái cười C1 và C2, nhưng thật ra đó cũng chỉ là một sự đóng kịch. Tiếng cười C1 và C2 đều xuất hiện sau lưng, đầy huyền bí (dù anh ta phủ nhận); nó đến rồi đi một cách bất ngờ nhưng ám ảnh. Nó không chỉ xuất hiện một lần (nếu chỉ xuất hiện một lần, hẳn Clamence đã có thể quên nó ngay), mà tắt rồi lại vang lên mạnh mẽ hơn, tràn ngập hơn nhưng cũng xa vời hơn, hư ảo hơn. Nó như sự cảnh báo dai dẳng bám đằng sau Clamence, để rồi có thể vụt xuất hiện ngay trong những lúc anh ta cảm thấy mãn nguyện nhất, hạnh phúc nhất, khi anh ta bay liệng trên những tầng cao tự do và thống trị. Tiếng cười C1 và C2, về bản chất, cũng giống như tiếng cười xét xử. Chỉ có điều, ban đầu anh ta không nhận ra hoặc không dám nhận ra tính mỉa mai, kết án của nó. Đến khi đã nhận ra tính hai mặt của mình, anh ta mới thấy những tiếng cười ấy bủa vây quanh mình. Tiếng cười ấy là biểu tượng cho sự phán xử của người khác đối với anh ta; còn sự ám ảnh bởi cái chết của người phụ nữ trên dòng sông Seine lại là biểu tượng cho sự tự phán xử của chính anh ta.

Nhìn ở góc độ tâm lí, việc Clamence không lao xuống làn nước giá lạnh để cứu người phụ nữ có thể được lí giải là do sự hèn nhát mà bất kì người nào cũng có thể có. Nhưng cái tôi đóng kịch đã khiến anh ta không những không cứu mà cũng không tri hô cho ai biết. Nếu tri hô, người phụ nữ có thể được một người nào đó cứu; Clamence sẽ đồng thời phải chịu hai sự thất bại: vừa thất bại trong vai kịch là một anh hùng, một con người nhân ái và dũng cảm; vừa thất bại trong cuộc tranh chấp để đứng cao hơn người khác (anh ta đã từng cố gắng để “giành lấy kẻ mù loà khỏi mọi cử chỉ ân cần nào không phải là của mình” [5;30]). Anh ta đã gián tiếp cướp đi mạng sống của người phụ nữ đó. Anh ta thật ra không phạm tội , nhưng lại bị kết án và bị lưu đày suốt cả phần đời còn lại. Tuy nhiên, luôn cảm thấy bị xét xử (bởi chính mình) nhưng lại chưa được đền tội; anh ta không lúc nào cảm thấy thanh thản. Vừa muốn bị kết tội và đền tội, vừa muốn công khai tội lỗi của mình để không còn bị dằn vặt, ám ảnh; Clamence vừa không muốn để người khác biết những mặt trái của mình. Bị giằng xé giữa hai điều đó, anh ta càng ngày càng trượt dốc. Cũng giống như tiếng cười xét xử đến rồi đi không thể nào kiểm soát được, cảm giác tội lỗi cũng ám ảnh Clamence suốt một thời gian dài. Cảm giác đó có thể ngủ yên trong đáy sâu kí ức của anh ta, để anh ta được hưởng một sự bình yên giả trá; rồi khi dường như anh ta đã được tự do, được thanh thản, thì cảm giác đó lại trỗi dậy, có thể dưới hình dạng của một cây cầu gợi anh ta nhớ tới cây cầu Nhà vua nơi anh ta phạm tội, có thể dưới dạng một đống rác đen trôi trên mặt nước gợi anh ta nhớ tới thi thể người phụ nữa đó.
Nhưng, nếu được làm lại, nếu được quay trở về quá khứ sau khi đã chịu bao nhiêu sự đày đọa như thế, phải chăng anh ta sẽ lao mình xuống dòng Seine để cứu người phụ nữa đó và cứu chính mình? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, vì dù sao, anh ta cũng cảm thấy may mắn vì tất cả đều đã muộn. Và thật ra, anh ta có thật sự quan tâm đến số phận người phụ nữa đó đâu?

Clamence, khi đã nhận ra bề trái tình cảm và cuộc sống của mình, nhanh chóng biến thành một con người rất khác.

Từng yêu đến si mê độ cao và khoảng không khoáng đạt, giờ anh ta lại “thích hơi ẩm bốc lên từ chốn sình lầy, mùi lá cây ngâm nước rữa thối dưới kinh và màu tang tóc xông lên từ các ghe tải tràn trề bông hoa” [5;58]. Từng sống giữa Paris hoa lệ, kinh đô ánh sáng, anh ta lại tự nguyện định cư tại một “khoảng không gian nhỏ nhắn chi chít nhà cửa và sóng nước, vây bọc bởi sa mù, đất băng lạnh giá và biển cả đầm đìa hơi sương” [5;20]. Từng là người ham sống và tràn trề sức sống, giờ anh ta cảm thấy bị đè nặng bởi cảm giác cái chết đang đến gần, bởi sự gian dối bao bọc chung quanh. Anh ta đã thay đổi. Ngày trước anh ta muốn được kẻ khác tôn sùng mình, giờ đây anh ta muốn tự hạ bệ mình, muốn được người khác phán xử, kết tội và tha thứ. (Tuy nhiên, cần thấy rằng với Clamence, khi anh ta bị phán xử, hạ bệ chính là khi anh ta thấy mình được giải thoát, thấy mình lại được đứng cao hơn người khác. Cũng như nghề quan-toà-sám-hối của anh ta, về thực chất, “vì chưng bất luận quan toà nào sớm muộn gì rồi cuối cùng cũng hoá thành kẻ đi sám hối, vậy thì cần phải ngược dòng mà hành nghề sám hối để có thể cuối cùng hoá thành quan toà” [5,170]. Nói cách khác, anh ta sám hối để giành được quyền kết tội người khác. Tóm lại, từ đầu đến cuối, anh ta vẫn không thể từ bỏ được khát khao thống trị và chiến thắng.) Anh ta mơ ước có được sự sòng phẳng ân đền oán trả, nhưng cái tôi kiêu hãnh và đóng kịch không cho anh ta làm thế. Anh ta bước vào con đường bê tha, phóng túng, hòng mong “xoá sạch mọi tiếng cười chế giễu, phục hồi im lặng và nhất là trao phong cho chúng ta tính chất bất diệt” [5;133]. Nhưng, cho dù có làm gì đi nữa, anh ta mãi vẫn là một kẻ phạm tội chờ ngày thi hành án.

http://myweb.wvnet.edu/~jelkins/lawyerslit/images/camus_fall.jpg

3.2. Vinh quang trong quá khứ và nghề quan-toà-sám-hối
3.2.1. Clamence và vương quốc

Trong các tác phẩm của Camus, cuộc sống hiện tại là nơi lưu đày. Nhưng mặt khác, nó lại cũng là vương quốc, là quê hương. Thế giới của Sa đoạ cũng mang biểu tượng hai mặt như thế: vừa là nơi lưu đày, Amsterdam đồng thời là vương quốc; vừa là thành phố ẩm ướt mù sương kênh ngòi chằng chịt, Amsterdam đồng thời lại là thành phố đầy huyễn hoặc tràn trề ánh sáng và hoan lạc.

Hình ảnh vương quốc trong Sa đoạ là tập hợp của Amsterdam, Paris và quần đảo Hi Lạp; trong đó Paris và Hi Lạp là những hình ảnh trong quá khứ, còn Amsterdam lại là hình ảnh trong mộng tưởng. Paris và Hi Lạp tồn tại trong kí ức của Clamence, nhưng trong khi thực tại với sương mù, với “những mép bờ bằng phẳng xoá nhoà trong lớp mù sa” [5;127], với mưa dầm và ánh tà nhạt nhoà gây cảm giác như đi trong giấc mộng thì quá khứ với Paris chói loà ánh sáng, với những hòn đảo Hi Lạp nổi bật dài theo chân trời lại gây ấn tượng về một sự tồn tại thật sự, sáng rõ. Trong khi Amsterdam lưu đày là biểu tượng cho thực tại sa đọa, cho tội lỗi, cho bóng tối và thất bại thì Paris, Hi Lạp lại là biểu tượng cho quá khứ đẹp đẽ, cho vinh quang, ánh sáng và thành công. Còn Amsterdam - vương quốc lại là biểu tượng cho mộng ảo, cho hi vọng và cho sự kiếm tìm lối thoát, kiếm tìm sự bình an, hoan lạc và hưởng thụ. Một thế giới có thật nhưng đã qua, một thế giới có thật đang tồn tại và một thế giới không thật trong hiện tại; cả ba thế giới đó cùng tồn tại, cùng chi phối cuộc đời và tâm tư Clamence; hình thành nên những mâu thuẫn gay gắt nhưng lại cũng là những sự dung hoà kì lạ trong anh ta. Vương quốc đó luôn luôn tồn tại để không một lúc nào Clamence không bị giày vò, ân hận và nuối tiếc. Nó cũng luôn tồn tại để nâng đỡ tâm hồn Clamence trong địa ngục trần gian.

3.2.2. Vinh quang trong quá khứ

Trước khi trở thành một kẻ lưu đày nơi quê người, Clamence đã từng là kẻ thống trị, người chiến thắng, một Giáo hoàng, một Đức Chúa cha. Anh ta đã xây dựng cho mình hình ảnh một con người hoàn hảo: một luật sư tài năng, một người tình nồng nhiệt, một người đàn ông lịch lãm, một con người hào hiệp, khiêm nhường và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Anh ta đạt được thành công trên mọi lĩnh vực: sự nghiệp, ái tình và thoả mãn chính mình. Lương tâm anh ta được yên bằng, tâm hồn anh ta được thư thái và vui vẻ. Nhìn bề ngoài, anh ta là một con người gương mẫu, tài hoa, một vị thánh vừa thanh cao vừa trần tục. Và xét ở góc độ này, Clamence cũng là một con người tập hợp như Tarrou và Rieux. Nhưng, điểm khác biệt lớn nhất giữa Clamence- trước (chúng tôi dùng từ này gọi nhân vật Clamence trước khi anh ta nhận ra tính hai mặt của mình và dùng từ Clamence-sau cho nhân vật Clamence sau thời điểm đó) và các nhân vật của Camus đó là anh ta dường như hoàn toàn thoả mãn về mình, là chủ nhân thật sự của chính mình. Chính anh ta là người điều khiển hoạt động của mình và của những người xung quanh; luôn luôn tự tin vào chính mình và hoàn thành xuất sắc mọi kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, với Clamence, tất cả những thành công trong quá khứ chỉ có một ý nghĩa; thoả mãn chính mình. Đó chính là thứ anh ta mơ ước, kiếm tìm và đã tìm được. Xét ở góc độ này, Clamence là một nhân vật phân li hoàn toàn. Nhưng, khác với Meursault, Clamence là một nhân vật phân li trong cái vỏ tập hợp. Anh ta quan tâm đến mọi người, làm từ thiện .v.v. nhưng thật ra anh ta chỉ quan tâm đến cá nhân mình. Tưởng như anh ta hành động vì người khác, nhưng thực chất là vì cái Tôi của mình. Anh ta xếp mình đứng cao hơn tất cả và vì thế, tự tách mình ra khỏi mọi người.

Sau này, khi đã từ bỏ Paris, từ bỏ xứ sở đã lưu dấu những tháng ngày huy hoàng của mình, Clamence luôn nuối tiếc vì những gì đã mất đó, luôn khắc sâu trong kí ức những hào quang quá khứ đó. Trong sự lưu đày ở hiện tại, trong sương mù thành Amsterdam; quá khứ đó là ánh sáng, là hơi ấm, là vương quốc của anh ta.




3.2.3. Quan-toà-sám-hối

Clamence-trước đã đứng trên tột đỉnh vinh quang, còn Clamence-sau dường như lại xuống đến tận cùng của sa đọa. Tự gọi mình là quan-toà-sám-hối, Clamence-sau không ngừng dằn vặt và sám hối. Chính trong khi đó, anh ta đã thể hiện con người thật của mình. Không còn bị che mắt bởi những hào quang giả tạo, anh ta nhận ra bản tính thực của mình, nhận ra rõ rệt cả hai bề trái - phải trong con người mình.

Nghề quan-toà-sám-hối mà anh ta tự nhận, ở bề trái của nó là sám hối để trở thành quan toà, nhưng ở bề mặt của nó lại là sám hối trước khi trở thành quan toà. Trở thành quan toà xét xử chính mình trước khi xét xử người khác; điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi người phải nhìn nhận những tội lỗi của mình, thẳng thắn đánh giá bề trái trong con người mình; cũng như mỗi người phải sống, sám hối một cách chân thật. Cuộc sống có thể phi lí, dịch hạch có thể đe dọa, nhưng bằng sự phản kháng và sám hối, con người có thể chiến thắng, có thể hoàn thiện mình.

Clamence đã mất một thời gian dài trước khi hành nghề quan-tòa-sám-hối. Bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi, bởi tính giả trá của mình, anh ta đã tìm quên trong rượu, trong đàn bà và sự sa đọa; nhưng vẫn không thể nào quên được những ám ảnh phạm tội đó của mình. Cho tới khi đó, anh ta mới nhận ra cần phải trở thành quan-tòa-sám-hối; bởi vì chỉ khi đã sám hối con người mới có quyền là quan toà kết án người khác. Sám hối, cũng có nghĩa là nhận ra bản chất của mình, giảm đi sự gia tăng của những lời ngợi ca gian dối của người đời và bằng cách đó, “hợp cách mình với cuộc đời” [5;120] hơn. “Vả chăng, không một ai có thể khẳng định mình vô tội, trong lúc mọi người có thể khẳng định mà chẳng sợ sai lầm rằng chúng ta thẩy đều có tội” [5;143].

*

3.3. Một số vấn dề thi pháp
3.3.1. Tính nước đôi của phương thức kể chuyện

Trong Sa đoạ, có sự xuất hiện người kể chuyện và người nghe chuyện. Nhưng, trong khi người kể chuyện đã được giới thiệu là Clamence thì người nghe lại không được xác định một cách rõ ràng, chắc chắn. Đó vừa có thể là người khác, lại vừa có thể là chính người kể.

Nhìn ở hình thức, nhân vật tôi đang nói chuyện với một người nghe vô hình. Vì toàn bộ tác phẩm là một tràng dài liên tục những lời kể của nhân vật tôi, nên câu chuyện cuộc đời của Clamence được tái hiện lại dưới hình thức độc thoại với một thính giả câm. Tuy nhiên, qua lời kể của nhân vật, người nghe dường như vẫn tham gia vào câu chuyện, vẫn đưa ra những câu trả lời, những câu hỏi, những lời nhận xét “Ngài nói chí lí, cái lối lặng thinh im im của y quả là inh ỏi, chối tai” [5;8]. “Vâng, thưa ngài, xứ Hoà Lan là một giấc mộng” [5;21]… Độc thoại của Clamence, đến đây, đã trở thành đối thoại, một kiểu đối thoại-giả [13;106].

Sự nhập nhằng giữa độc thoại - đối thoại này đã mang đến một sự mơ hồ đối với nhận thức về nhân vật. Anh ta thật sự là người như thế nào? Anh ta chân thành hay giả dối? Anh ta sám hối hay biện hộ?

Clamence đã bị ám ảnh một thời gian dài bởi cảm giác tội lỗi, bởi sự sám hối và phán xử chính mình. Kể câu chuyện cuộc đời mình cho một người khác nghe chính là quá trình tự thú của anh ta; chính là sự thôi thúc bởi mong muốn được giải thoát, được phán xử, được đền tội. Đối diện với một quan toà không phải là mình, chấp nhận đặt mình dưới sự phán xét của một người mới quen, Clamence đã chứng tỏ một sự chân thật thực sự, một sự sám hối chân thành. Với một người từng đứng trên đỉnh cao của vinh quang và ánh sáng, với một người khao khát thống trị và khẳng định mình như Clamence, sự tự thú đó chứng tỏ một sự dũng cảm đặc biệt và một sự day dứt khủng khiếp.

Tuy nhiên, theo dõi toàn bộ văn bản Sa đoạ và dựa trên những hiểu biết về tâm lí nhân vật, chúng tôi nghiêng về ý kiến cho rằng người nghe trong tác phẩm không phải ai khác mà chính là Clamence. Nói cách khác, Sa đoạ được thể hiện dưới hình thức độc thoại nội tâm hay đối thoại giả với chính mình.

Trong phần kết thúc tác phẩm, ở đoạn: “Vậy thì ngài hãy vui lòng thuật lại cho tôi nghe sự tình đã xảy ra trên bến bờ dòng Seine và ngài đã xoay xở cách nào để khỏi phải liều thân nguy đến tính mạng? Ngài hãy đích thân cất tiếng thốt lên mấy lời van nài đã không ngừng vang dội suốt bao năm trường trong lòng tôi giữa đêm thâu, mấy lời van nài tôi sẽ được phát biểu qua cửa miệng ngài: Ới cô ơi, cô hãy giùm tôi mà lại nhảy xuống dòng nước, cho tôi lần nữa được dịp cứu vớt cả đôi ta!” thì đâu là người nói, đâu là người nghe? Không phải người nói là Clamence trong hiện tại và người nghe cũng lại là một Clamence sao? Clamence-nghe này hẳn phải là người đã từng trải qua sự kiện quan trọng trên cầu Nhà vua năm nào; hay nói chính xác hơn, Clamence này chính là hình ảnh nhân vật khi vừa đến Amsterdam, vẫn còn dáng vẻ “hào hoa phong nhã, ăn mặc suýt soát sang trọng, có con mắt lõi đời của hạng người 40 đã suýt soát sành sỏi hầu hết mọi chuyện” [5;14]. Người nghe, vì vậy, vừa là chính người kể lại vừa như không phải là người kể.

Điều này cũng dễ hiểu vì Clamence vốn là người có ham muốn thống trị, từng là một kịch sĩ đại tài và luôn đặt cái tôi của mình lên trên hết, nên dĩ nhiên anh ta khó có thể phơi bày những xấu xa trong con người mình trước cái nhìn soi mói của người đời. Anh ta không thể để cho người khác được quyền phán xử mình. Nhưng anh ta lại bị ám ảnh và dằn vặt quá lâu nên không thể chịu đựng được sức nặng của những ám ảnh đó. Anh ta cần được thú nhận, cần được người khác phán xử và cần tìm một sự thanh thản trong tâm hồn. Không thể và không muốn viện cầu đến Thượng đế, anh ta buộc phải thú nhận với người khác. Sự giằng xé giữa một bên là ham muốn thống trị và tình yêu cái tôi đối với một bên là sự sám hối và mong muốn được đền tội đã đặt Clamence vào trong một tình huống khó khăn: nói với người khác hay giữ nguyên trong lòng, để người khác phán xử hay tự mình giày vò mình? Cuối cùng, anh ta đã lựa chọn một giải pháp trung gian: thú tội với một người khác giả vờ, nhưng để cho có tính thuyết phục, người khác giả đó phải được xây dựng y như thật. Một lần nữa, Clamence lại đóng kịch và đóng kịch thành công.

Cũng lại một lần nữa, anh ta thể hiện sự giả dối của mình. Rốt cuộc thì sau bao nhiêu cố gắng, anh ta vẫn không thể chiến thắng được chính mình.

Cho dù anh ta có là con người hai mặt, thì trong anh ta, bề trái vẫn luôn chiếm ưu thế. Anh ta là một con người thời đại, biểu tượng cho “sự sa đọa vô phương cứu chữa của cái sinh linh cô độc trôi giạt giữa những đô thị lớn” [27;282].

3.3.2. Thời gian nghệ thuật

Sa đọa là câu chuyện cuộc đời Clamence đã được chính anh ta kể lại trong khoảng thời gian năm ngày, từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng nhân vật người nghe-giả kia có mặt ở Amsterdam. Tác phẩm được chia thành sáu phần trong đó bốn phần tương ứng với bốn ngày gặp gỡ và kể chuyện, riêng hai chương 4 và 5 lại cùng là câu chuyện diễn ra trong ngày thứ tư. Thời gian kể chuyện này đã mang đến cho tự truyện một không khí chân thật, tưởng như Clamence đang thực sự kể lại cuộc gặp gỡ với một người khách lạ; cũng có nghĩa là những gì anh ta kể lại, lời thú nhận của anh ta là những lời nói thật tâm. Anh ta dường như thật sự dũng cảm khi dám tự phán xử mình trước một người khác không quen biết đó.

Nếu thời gian kể chuyện chỉ gói gọn trong năm ngày thì thời gian truyện kể lại kéo dài suốt từ những tháng ngày nhân vật đang ở trên đỉnh cao của thành công và vinh quang cho đến khi anh ta trở thành quan-toà-sám-hối trong chốn lưu đày, nơi địa ngục trần gian.

Trong khi thời gian kể chuyện được sắp xếp theo trục thời gian tuyến tính thì thời gian truyện kể lại bị người kể chuyện xáo trộn lung tung, vừa ở hiện tại lại quay trở về quá khứ; từ quá khứ xa lại kéo về quá khứ gần hay ngược lại; từ quá khứ xác định cho đến quá khứ không khác định. Thậm chí, nhân vật còn rào đón, hẹn trước một thời gian trong tương lai. Những khoảng thời gian chồng chéo đó đã tạo nên những tầng lớp cho tác phẩm, khiến người đọc có cảm giác như đang lạc bước vào trong mê cung kí ức của người kể chuyện.

Khi câu chuyện được kể lại mang tính chất một lời thú tội, một sự sám hối, một lời tự phán xử mình; việc đảo trật tự thời gian mang nhiều ý nghĩa trong tìm hiểu tính cách nhân vật.

Có thể hiểu nhân vật đang xúc động mạnh, anh ta không thể sắp xếp câu chuyện một cách mạch lạc mà nhớ gì thì kể đó. Dường như anh ta đã bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài và rất khó để có thể kể lại rõ ràng câu chuyện theo tuần tự. Dường như dòng cảm xúc của anh ta quá mạnh mẽ, mong muốn được giãi bày của anh ta quá mãnh liệt. Và lẽ dĩ nhiên, như thế có nghĩa những cảm xúc của anh ta là thực.

Nhưng thực ra lại hoàn toàn ngược lại. Sự đảo trật tự thời gian đó lại nằm trong tính toán của người kể chuyện. Anh ta để các sự kiện chồng chéo lên nhau như một sự tung hoả mù khiến người nghe vô tình bị cuốn theo dòng cảm xúc của anh ta, khiến người nghe như một người đang lạc bước trong sương mù cần đến sự chỉ dẫn của anh ta. Không những thế, anh ta còn thể hiện sự rào đón ngay từ lần đầu gặp gỡ. Anh ta giới thiệu mình là quan-toà-sám-hối ngay trong lần đầu gặp nhau, trong suốt những ngày tiếp theo anh ta đều nhắc lại vấn đề này, nó thật sự trở thành mục đích chính của cuộc nói chuyện. Nhưng chỉ đến tận ngày cuối cùng, anh ta mới giải thích quan-toà-sám-hối nghĩa là gì. Cũng như các sự kiện khác cũng được anh ta kể lại bằng cách rào đón như thế. Cũng có nghĩa là anh ta đã hùng hồn biện hộ cho mình trước cả khi để cho đối phương biết được tội lỗi của mình. Nói cách khác, anh ta đã thực hiện một mẹo nhỏ của một trạng sư tài năng giàu kinh nghiệm để biện hộ cho mình, kiếm tìm sự tha thứ, rửa tội cho mình.

Với ý nghĩa đó, anh ta quả thật vẫn luôn là một kịch gia.


. La chute de Camus (lien) étude - cours et séquences didactiques
. La chute de Camus site Lettres Angevines de Yvon Joseph-Henri (lien)
. L'étranger de Camus (lien)
. La peste de Camus (lien)

Une bibliographie qui semble très complète (lien)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét