Subscribe

RSS Feed (xml)

Powered By

Skin Design:
Free Blogger Skins

Powered by Blogger

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

GIÁO LUẬT HỒI GIÁO

Dù kinh Koran có khó đọc và khó hiểu đối với những người không theo đạo Hồi thế nào đi nữa, nhìn chung giáo lý Hồi giáo khá đơn giản đó chính là sự tôn thờ Thượng đế và hoàn toàn tuân phục Ngài. Có thể nói rằng thế giới Hồi giáo mang tính cộng đồng rất rõ nét, và yếu tố tạo nên tính cộng đồng này chính là đức tin vào Allah và những luật tục mà mỗi tín đồ phải thực hiện hàng ngày. Mỗi một tín đồ phải thực hiện năm bổn phận quan trọng thường được gọi là Năm cột trụ của đạo Hồi hay còn gọi là Năm cốt đạo. Đó là:

2.1.3.1. Shahadah – Xác Nhận Đức Tin

Các tín đồ Hồi giáo phải tuyên xưng đức tin của mình rằng chỉ có một Thượng đế duy nhất, và Mohamed là tiên tri và sứ giả của Ngài. Niềm tin rằng Mohamed là tiên tri và là sứ giả của Thượng đế chính là cái phân biệt đạo Hồi với đạo Do Thái và Thiên Chúa, là những tôn giáo cũng tin vào một Thượng đế duy nhất như đạo Hồi. Việc xác tín Mohamed là tiên tri cuối cùng và được thượng đế ủy thác là điều kiện đảm bảo cho tính thiêng liêng xác thực của kinh Koran.

Đức tin Hồi giáo được thể hiện qua tín điều đầu tiên mà mọi tín đồ đều phải đọc to lên mỗi khi cầu nguyện “ Không có chúa trời nào khác ngoài Allah và Mohamed là Rasul ( tiên tri hay sứ giả ) của Ngài”. Tuyên bố này trong lời vắn tắt đã tổng kết đức tin giản dị của đạo Hồi. (Trịnh Huy Hóa: 51 – 52)

2.1.3.2. Salat – Cầu Nguyện

Mỗi ngày năm lần, tâm trí và trái tim của những người Hồi giáo mộ đạo lại rời bỏ tất cả mọi công việc mà họ đang làm để quay sang cầu nguyện Thượng đế, đó là những thời điểm sau đây:

- Lần thứ nhất, vào lúc sáng sớm (5h sáng)
- Lần thứ hai, lúc giữa trưa hay đầu giờ chiều (12h30)
- Lần thứ ba, buổi xế chiều (15h30 – 16h)
- Lần thứ tư (18h30)
- Lần thứ năm, vào ban đêm (19h30)

Nếu các tín đồ không thể cầu nguyện vào những giờ giấc kể trên thì họ có thể làm công việc đó vào bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ đó cho đến lúc cầu nguyện lần sau.

Trước khi cầu nguyện, các tín đồ phải giữ cho mình được sạch sẽ tinh khiết, bằng cách tẩy rửa theo nghi thức: đôi tay được rửa trước tiên rồi làm sạch miệng bằng cách súc miệng và nhổ nước bọt. Tiếp theo là rửa mặt rồi cánh tay từ khuỷu tay trở xuống; họ dấp nước lên đầu và chải tóc; cuối cùng là đôi chân được rửa sạch từ bàn chân lên đến mắc cá. Tất cả các công việc đó được lặp lại ba lần theo một trình tự nghiêm ngặt và luôn bắt đầu từ bên phải. Ở các Thánh đường và trong hầu hết các gia đình đều trữ sẵn nước trong các bể chứa, các lu vại hay vòi nước để dành cho mục đích này; người ta cũng có thể tẩy rửa trong một hồ nước nhỏ. Nếu không có nước thì có thể thay thế bằng cát.

Ngoại trừ những nơi ô uế, bẩn thỉu như nghĩa địa, lò sát sinh…người ta phải cầu nguyện ở một nơi sạch sẽ, vì thế nên đa số tín đồ Hồi giáo hay mang theo những tấm thảm nhỏ khi ra ngoài, họ có thể trải ra để dừng chân cầu nguyện. Ăn mặc cần phải khiêm tốn; đối với phụ nữ, điều đó có nghĩa là thân thể phải được che kín toàn bộ chỉ trừa khuôn mặt, hai ban tay và bàn chân. Giày dép phải bỏ bên ngoài Thánh đường. Người Hồi giáo cũng rất cẩn thận không đụng vào những thứ dơ bẩn trước và trong khi cầu nguyện. Nếu người đàn ông chạm vào một vật dơ bẩn hay một người khác phái, hay vừa vào nhà vệ sinh…thì họ phải lặp lại toàn bộ nghi thức tẩy thể từ đầu. Phụ nữ đang trong kỳ kinh không được đi vào khu vực Thánh đường khi mọi người đang cầu nguyện.

Trong Thánh đường, các tín đồ chào nhau một cách long trọng. Khi cầu nguyện, các tín đồ xếp hàng ngay ngắn và quay mặt về hướng thánh địa Mecca. Buổi cầu nguyện mở đầu với lời tuyên đọc của vị chủ lễ câu Allahu – akbar nghĩa là Thượng đế vĩ đại. Việc cầu nguyện bắt đầu với tư thế đứng thẳng người của các tín đồ, hai bàn tay để ngửa và giơ ra phía trước, còn trong lúc cầu nguyện thì tín đồ quì gối và úp mặt xuống đất. Họ cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập chứ không phải bằng ngôn ngữ bản địa của tín đồ.

Người ta có thể cầu nguyện một mình ở nơi mà họ đang có mặt vì Allah có ở khắp mọi nơi, nhưng các tín đồ Hồi giáo luôn thích cầu nguyện theo nhóm và Thánh đường là nơi lý tưởng để cầu nguyện thành nhóm như thế. Vào buổi cầu nguyện trưa ngày thứ Sáu, các tín đồ buộc phải đến Thánh đường. Nó thể hiện một sự thống nhất và tận tụy của thế giới Hồi giáo. (Trịnh Huy Hóa: 52 – 55)

2.1.3.3. Zakat – Bố Thí Cho Người Nghèo

Tín đồ Hồi giáo phải thực hiện bổn phận bố thí với hai lý do. Một là, xuất phát từ quan niệm cho rằng của cải, tiền bạc chỉ là những phương tiện cần thiết nhất thời, tạm bợ nhưng dễ cám dỗ và làm cho con người xấu xa. Hai là, mọi tín đồ đều phải ý thức mình thuộc một cộng đồng Hồi giáo và phải có trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ nhau. Vì vậy, mục đích của việc bố thí là nhằm trong sạch hóa những của cải làm ra – do Allah mà có – bằng cách trích một phần tương xứng để tương trợ những người nghèo khổ cần được giúp đỡ. Có hai hình thức bố thí:

 Bố thí của cải làm ra: như vàng, bạc, tiền do buôn bán, thú vật chăn nuôi, thực phẩm… Việc bố thí của cải được qui định cụ thể trong thánh kinh. Con số thông thường là 2,5 phần trăm thu hoạch hàng năm. Những người giàu có được khuyến khích cho nhiều hơn. Những ai cho nhiều hơn số lượng qui định được coi là một sadagah, tức là người thiện tâm.

 Bố thí lương thực vào cuối tháng Ramadan: thường thì tín đồ phải bố thí ba kí lô gam lương thực.

Cũng theo kinh Koran, những người sau đây được hưởng của bố thí và tất nhiên đó là các tín đồ Hồi giáo:

+ Người bần cùng, thiếu ăn, thiếu mặc
+ Người gặp hoàn cảnh khó khăn
+ Người được tập thể chỉ định đi thu góp của bố thí để phân phối lại
+ Người mới vào đạo
+ Các nô lệ muốn chuộc lại sự tự do
+ Người mắc nợ vì đạo
+ Người đi thánh chiến không lãnh lương
+ Khách vãng lai gặp khó khăn

Trong nhiều thế kỷ, hầu hết món tiền Zakat của mỗi nước được dùng để cung cấp những khoản chu cấp đặc biệt cho các trường học và bệnh viện, để giúp người nghèo, để sửa chữa các Thánh đường và để tài trợ cho các hoạt động từ thiện khác. Trong những năm gần đây, một số chính phủ ớ các nước Hồi giáo đã đưa khoản Zakat này vào hệ thống thuế của mình, và khoản lợi tức này vẫn còn được dùng cho các chương trình phúc lợi xã hội. (Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng – 1998 :418)


2.1.3.4. Sawm – Nhịn Ăn

Bổn phận nhịn ăn trong tháng Ramadan, tức tháng Chín Hồi lịch – tháng mà Mohamed đã được thiên khải lần đầu tiên. Hồi lịch căn cứ vào chu kỳ mặt trăng nên việc nhịn ăn được bắt đầu khi thấy mặt trăng xuất hiện vào đầu tháng Chín Hồi lịch cho đến khi trăng xuất hiện vào đầu tháng sau. Trong khoảng thời gian đó, tín đồ phải nhịn ăn uống, không được nói điều xấu, kiêng hút thuốc, không được quan hệ vợ chồng từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Vào ban đêm, khi không còn mặt trời, mọi kiêng cử trên đều được bãi bỏ. Người già yếu, phụ nữ có thai, trẻ em được miễn thực hiện việc nhịn ăn. Những người đau yếu, đang đi đường xa có thể tạm hoãn và thực hiện lại vào thời gian thuận tiện sau đó. Trẻ em Hồi giáo thường bắt đầu tập nhịn ăn trong tháng Ramadan từ lúc lên bảy tuổi. Khi đó chúng thường nhịn nửa ngày. Vào độ tuổi lên chín hay lên mười, chúng đã có thể nhịn ăn suốt cả ngày.

Việc nhịn ăn theo giáo luật thật ra chỉ là biểu hiện bên ngoài mà ý nghĩa sâu xa của nó là ở chỗ làm cho con người có một tình yêu thực sự đối với Thượng đế Allah và đối với đồng loại, trước nhất đối với người nghèo khổ, đồng thời biết kiềm chế, từ bỏ những ham muốn vật chất thấp hèn, những thói hư, tật xấu, lòng vị kỷ, tính lừa đảo… Nói chung, việc nhịn ăn trong tháng Ramadan phải được tiến hành song song với ý thức làm điều tốt, tránh điều xấu xa, tội lỗi. (Trịnh Huy Hóa: 63 – 64)


Hành Hương

Bổn phận cuối cùng trong năm bổn phận căn bản của Hồi giáo đó là hành hương đến thánh địa Mecca đối với những tín đồ có đủ điều kiện. Chi phí cho một chuyến hành hương mất khoảng 3000 USD. Những người nhỏ tuổi, người già, người ốm yếu và những người không có đủ điều kiện tiền bạc là những người được miễn nghĩa vụ bắt buộc này. Còn đối với những ai thực hiện được cuộc hành hương thì sự tưởng thưởng sẽ rất lớn, đó không chỉ là được thoả mãn về tinh thần, mà còn là uy tín và sự kính trọng trong xã hội Hồi giáo. Trở lại với cộng đồng quê hương, nhừng người hành hương từ Mecca trở về sẽ được thêm danh hiệu hajji vào tên tuổi của mình nếu là đàn ông, còn phụ nữ sẽ được gọi là hajjah, họ sẽ được chào đón với những nghi lễ long trọng và được tôn kính đặc biệt.

Quá trình hành hương được qui định bằng những nghi lễ rất tỉ mỉ. Khi người hành hương đến được thành phố thiêng liêng này, họ sẽ dừng lại để tách mình ra khỏi the giới thường nhật bằng cách làm lễ tắm gội, giống như trước khi cầu nguyện thường ngày. Sau đó người hành hương mặc bộ trang phục đặc biệt màu trắng; kể từ lúc đó trở đi cho đến khi tất cả các nghi lễ được hoàn tất, người hành hương phải kiêng không được giết người, giết thú vật hay nhổ hái cây cỏ, không được gần phụ nữ và không được cắt tóc hay cắt móng tay.

Khi đến được ngôi đền Kaaba, người hành hương phải hôn Hòn đá Đen linh thiêng, hay nếu không làm được vì quá đông người thì phải sờ tay vào nó hoặc làm động tác hôn. Sau đó, người hành hương phải đi vòng quanh Kaaba bảy lần. Tiếp theo người hành hương phải đi lên đi xuống bảy lần qua một dãy cột ở giữa hai quả đồi cách đó chừng nửa cây số. Nghi kễ này để tưởng nhớ đến việc Hagar phải chạy vòng quanh để tìm nước cho Ishmael.

Sau đó ngưòi hành hương sẽ ra khỏi Mecca để đến Mina, ở đó họ có thể tìm được một góc nhỏ trong thành phố lều khổng lồ; việc một lượng người đông đảo như thế tập hợp nhau lại đây tự nó sẽ cho người hành hương một trải nghiệm hết sức sâu sắc và kỳ lạ về sức mạnh và sự thống nhất của thế giới Hồi giáo. Ngày hôm sau, họ tiến về núi Arafat, họ sẽ đứng ở đó từ giữa trưa cho đến lúc mặt trời lặn. Chính nơi đây, ngồi trên lưng một con lạc đà, Mohamed đã đọc bài thuyết giảng vĩnh biệt trong cuộc hành hương cuối cùng của ông đấn Mecca.

“Điểm dừng ở Arafat” này là màn hoạt động cao điểm của cuộc hành hương và không thể bỏ qua. Đó là sự diễn lại cuộc hội họp nguyên thuỷ của các tín đồ như một quân đội thống nhất. Người ta bảo làm như thế để các tín đồ nhớ đến cuộc tập hợp của tất cả nhân loại trên thế gian trong cuộc phán xét vào ngày tận thế, và cũng là để kỷ niệm lần tập hợp tín đồ đầu tiên do chính Mohamed chỉ huy một cách vô cùng oanh liệt.

Sau khi đã lên đồi Arafat, những nghi lễ cuối cùng thể hiện một đám rước Thánh tích. Trở về Mina, những người hành hương ném đá vào ba cây trụ đá được coi là thể hiện cho ma quỷ, nghi thức này nhắc lại việc quỉ Satan ba lần cố làm cho Ishmael đổi ý nhưng bị cự tuyệt.

Vào ngày cuối cùng của cuộc hành hương, người hành hương sẽ hiến tế một con cừu hay một con dê trên một cánh đồng nào đó; một phần thịt sẽ dành cho người nghèo. Cũng trong ngày đó, trong khắp thế giới Hồi giáo, người ta cũng thực hiện những nghi lễ hiến tế tương tự. Đầu con vật hiến tế được đặt quay về hướng Mecca, và khi một người Hồi giáo cắt cổ con vật, ông ta sẽ nói “Nhân danh thượng đế”. việc làm này là để nhắc lại con cừu đã được dùng để thay cho Ishmael trong lễ hiến tế của Abraham.

Tiếp theo, ở Mecca, người hành hương sẽ cắt tóc. Mái tóc, tự nó là một bằng chứng, sẽ được để lại như dấu hiệu dâng hiến của người hành hương. Anh ta sẽ đi vòng quanh Kaaba bảy vòng lần cuối cùng để giã từ.

Hầu hết những người hành hương sau đó sẽ đi đến Medina, mặc dù điều này không phải là bắt buộc. Tại đây, nơi thành phố thiêng liêng thứ hai của đạo Hồi, họ đến viếng thăm ngôi Thánh đường và lăng mộ của Mohamed. (Trịnh Huy Hóa: 65 – 73)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét