2.1.2.1. Kinh Koran
2.1.2.1.1. Nguồn gốc
Giáo lý Hồi giáo được trình bày trong kinh Koran. Tiếng Ả Rập Koran hay Qur’an có nghĩa là “đọc lại”. Theo Hồi giáo, kinh Koran là những lời giáo huấn của Thượng đế cho loài người mà Mohamed cũng như các vị tiên tri trước Mohamed đã được Thượng đế mạc khải. Thực ra kinh Koran là những lời rao giảng của Mohamed cho tín đồ trong những buổi thuyết giảng. Chúng được hình thành trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng 20 năm (từ năm 611 đến năm 632) và được tập hợp lại thành sách 20 năm sau khi Mohamed qua đời.
2.1.2.1.2. Đặc điểm
Kinh Koran được viết theo văn phong nửa văn xuôi nửa thơ. Vì những khải thị của kinh Koran được viết nguyên gốc bằng tiếng Ả Rập, nên tất cả những người Hồi giáo dù có nói tiếng Ả Rập hay không đều cố học thuộc một vài phần trong kinh Koran bằng tiếng Ả Rập. Tiếng Ả Rập trong kinh Koran được coi là thứ ngôn ngữ có khả năng hùng biện mạnh mẽ nhất. Trước đây những người lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo không cho phép dịch thánh kinh Koran ra các ngôn ngữ khác vì sợ sự phiên dịch không thể hiện đầy đủ và đúng đắn những gì mà Thượng đế đã truyền dạy và vì cho rằng tiếng Ả Rập là ngôn ngữ thiêng liêng mà Allah đã chọn. Tiếng Ả Rập do đó là ngôn ngữ chung của cộng đồng Hồi giáo. Mãi cho đến thập niên hai mươi của thế kỷ XX, với cuộc cách mạng sâu rộng của tổng thống Mustapha Kémal trong phạm vi quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, đã cho dịch kinh Koran ra tiếng Thổ. Tại các nước Đông Nam Á, vào những năm sáu mươi, việc chuyển ngữ thánh kinh Koran cũng đã được đặt ra trong các hội nghị Hồi giáo. Gần đây, thánh kinh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ( Anh, Pháp…)
Kinh Koran gồm 114 chương (gọi là Sura), chia thành 6211 câu (gọi là Ayah). Tiêu đề của các chương lấy từ các Ayah trong chương đó.
Các chương trong kinh Koran có độ dài không tương xứng với nhau, có chương rất dài, lại có chương rất ngắn. Trừ chương đầu tiên, các chương còn lại được sắp xếp theo độ dài, từ chương dài nhất đến chương ngắn nhất. Vì gần như tất cả những chương ngắn hơn lại được khải thị sớm hơn về thời gian, nên trật tự sắp xếp của cuốn kinh hầu như hoàn toàn ngược lại với trình tự thời gian mà Mohamed tuyên đọc chúng. Điều đặc biệt là các chương có thể tách riêng một cách độc lập và không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau. (Châu Quốc Tuấn - 1994: 249-251)
Tín ngưỡng trong kinh Koran là một tôn giáo độc thần kiên định. Nó thể hiện trong ngày phán xét sẽ đến, trong sự thống trị của Allah đối với vạn vật, trong việc tạo dựng nên thế giới hiện tại cũng như số phận của nó.
2.1.2.1.3. Ý nghĩa
Hồi giáo đặc biệt đề cao ý nghĩa, tính thiêng liêng, vĩnh cửu của kinh Koran coi đó là quyển sách đúng chân lý nhất vì theo họ tất cả những điều về giáo lý, luật lệ, lễ nghi, sự thờ phụng, cách thức hành đạo, điều kiện nhập đạo, các nguyên tắc đạo đức… tóm lại là cả việc đạo lẫn việc đời đều được Thánh Allah giáo huấn, răn dạy cặn kẽ.
2.1.2.2. Những tín điều căn bản.
Giáo lý Hồi giáo bao gồm những quan niệm về thế giới và con người. Giáo lý Hồi giáo chứa đựng những yếu tố của tín ngưỡng nguyên thủy của người Ả Rập, và nhất là của đạo Do Thái và đạo Kitô. Cơ sở giáo lý là niềm tin vào Allah (Thượng đế) và sứ giả Mohamed, vào thiên thần, vào bất tử của linh hồn, vào ngày phục sinh và phán xét, vào Thiên đường, vào địa ngục và sự vĩnh cửu của kinh Koran…
Hồi giáo cho rằng Allah là Thượng đế duy nhất, là đấng kiến tạo và điều khiển mọi sự sinh tồn. Hồi giáo thừa nhận thuyết Sáng thế của Kitô giáo: Thượng đế tạo ra vũ trụ và muôn vật trong sáu ngày, nhưng thứ tự công việc trong sáu ngày tạo tác có thay đổi đôi chút: ngày thứ nhất tạo ra bầu trời, ngày thứ hai tạo ra mặt trời, mặt trăng, các vì sao và gió, ngày thứ ba tạo ra muôn vật và thiên thần ở bảy tầng trời, ngày thứ tư tạo ra nước và xác định là thức ăn của các loài vật, và cũng trong ngày đó, theo lệnh của Thượng đế, các dòng sông bắt đầu chảy, ngày thứ năm tạo ra thiên đường, địa ngục, ngày thứ sáu tạo ra Adam và Eva - thuỷ tổ của loài người. Ngày thứ bảy công việc hoàn thành, cả thế giới bao trùm mọi trật tự và những sự hài hòa không thể phá vỡ đựơc.
Để miêu tả Allah, người Hồi giáo đã dùng nhiều danh từ đẹp đẽ như: “đầu tiên”, “duy nhất”, “vĩnh cửu”, “cao cả nhất”, “siêu việt nhất”, “sức mạnh nhất”, “uy quyền”, “toàn năng nhất”, “nghiêm khắc nhất”, “độ lượng nhất”… Vì họ cho rằng Allah đã chiến thắng và chinh phục được tất cả các thần thánh khác, nên toàn bộ sức mạnh và khả năng của thần thánh đều tập trung trong thượng đế Allah.
Tôn sùng Mohamed là tín điều có tầm quan trọng thứ hai trong giáo lý Hồi giáo. Mohamed được coi là sứ giả của Allah và là Tiên tri của tín đồ. Kinh Koran cho biết trước Mohamed đã có các vị tiên tri, tất cả đều phải đựơc tôn kính hết mực vì tất cả đều cố gắng kêu gọi loài người trở về với Islam, tức là trở về với sự tuân phục Thượng đế. Họ gồm có Abraham, Moses, Ishmael, Idris (Enoch) và Jesus…. Nhưng thông điep hoàn chỉnh cuối cùng được gởi đến cho loài người chính là thông qua Mohamed, người thay thế cho tất cả các tiên tri đã đến từ trước – đó là bản thông điệp tối hậu của Thượng đế. Mohamed có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của tín đồ. Nếu ai nghi ngờ sứ mạng thiêng liêng của Mohamed sẽ bị coi là một trọng tội, không thể tha thứ được, chẳng khác nào nghi ngờ sự tồn tại của Allah.
Hồi giáo cho rằng con người có hai phần: thể xác và linh hồn; thể xác chỉ là cái vỏ bọc tạm thời, còn linh hồn là bất tử, cuộc sống vĩnh cửu ở thế giới bên kia. Kinh Koran dạy: “ Cuộc sống trần gian chỉ là trò chơi, trò tiêu khiển, là sự phô trương, khoái lạc và sự ganh đua về của cải, con cái”… “chỉ có trong tương lai, cuộc sống nơi thiên đàng, con người mới có căn nhà để lưu lại mãi mãi”.
Quan niệm của Hồi giáo về sự bất tử của linh hồn, sự tái sinh sau khi chết có liên quan đến quan niệm về lòng tin và ngày phán xét, vào thiên đàng, địa ngục…H ồi giáo xem ngày phục sinh, phán xét là kết thúc cuộc sống của loài người trên trần gian, ngày gặp gỡ của mọi thế hệ trước Thượng đế Allah. Ngày đó mọi người đều có quyển sách ghi rõ công, tội, thiện, ác đã làm khi còn sống. Allah sẽ hỏi từng người, cân đo từng việc làm để được bước lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Lúc đó các tín đồ Hồi giáo sẽ được thiên sứ Mohamed đứng ra che chở cầu xin Thượng đế để tha tội, nếu họ là kẻ ngoan đạo.
Thiên đàng, địa ngục của Hồi giáo được miêu tả có bảy tầng. Ở địa ngục có đủ loại phương tiện cần thiết để tra tấn, hành hạ kẻ có tội. Nếu như tả địa ngục bằng màu đen với những phương tiện tra tấn hành hạ kẻ có tội, thì thiên đàng được Hồi giáo miêu tả bằng những âm sắc tươi sáng, rực rỡ. Đó là một ngôi vườn thật đẹp, râm mát với những suối sữa, suối mật, những bộ quần áo bằng tơ lụa mượt mà… Ở thiên đường, mỗi năm tín đồ được giành cho một cô gái tuyệt mỹ, mắt đen da trắng mịn màng. Những cô gái này luôn sẵn sàng đem đến cho các tín đồ tình cảm dịu dàng, âu yếm. (Châu Quốc Tuấn - 1994: 250 – 253)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét