THỦY CHUNG
Tên khoa học: Platycodon grandiflorum.
Phân loại khoa học:
· Giới (regnum): Plantae.
· Ngành (division): Magnoliophyta.
· Lớp (class): Magnoliopsida.
· Bộ (ordo): Asterales.
· Họ (familia): Campanulaceae.
· Chi (genus): Platycodon.
· Loài (species): P.grandiflorum.
Ý nghĩa: Sự khiêm tốn – Lòng thủy chung, kiên định, trung thành, không thay đổi. Tình yêu thầm lặng và tuyệt vọng.
Cát cánh hay kết cánh (danh pháp khoa học: Platycodon grandiflorum hay Platycodon grandiflorus, đồng nghĩa: P. autumnale, P. chinense, P.sinensis) là một loài thực vật có hoa sống lâu năm thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae) và có lẽ là loài duy nhất trong chi Platycodon. Nó có nguồn gốc tại khu vực đông bắc châu Á (Trung Quốc, Đông Siberi, Triều Tiên và Nhật Bản) với các hoa lớn màu xanh lam, mặc dù các thứ (biến chủng) có hoa màu trắng hay hồng cũng được trồng.
Rễ cát cánh (radix platycodi) được sử dụng trong y học cổ truyền khu vực châu Á để làm chất kháng viêm để điều trị các chứng ho, viêm phế quản, viêm amiđan, viêm họng, trừ đờm và chống cảm lạnh. Rễ của nó chứa nhiều saponin. Các thành phần có thể tách ra bằng thủy phân: platycodigenin (saponin chính), một lượng nhỏ các axít như axít polygalacic, axít platycogenic A, axít platycogenic BC, axít platycogenic C. Từ các saponin thì các chất sau có thể được tách ra: prosapogenin, 3-O-β-glucoza, platycodozit C, platycogenin-3-O-β-glucozit platycodigenin, glucoza, xyloza, platycidin, platycodinin, betulin, v.v…
Tại Triều Tiên, loài cây này được gọi là doraji (도라지- có thể dịch thành hoa chuông) và rễ của nó, hoặc là khô hay dưới dạng tươi, là thành phần phổ biến trong các món xà lách và trong các kiểu chế biến thảo mộc truyền thống. Tuy nhiên, cát cánh và hoa chuông Triều Tiên thật sự (Campanula takesimana) là các loài khác nhau.
Loài cây này cũng được trồng làm cây cảnh khá phổ biến ở một số khu vực khác. Theo phân loại về độ chịu lạnh cho thực vật của USDA Hoa Kì thì nó ở khu vực 3 và cần ít sự chăm sóc.
Cát cánh là một trong những loài hoa dại cứng cỏi nhất, chúng thường trở lại một cách thủy chung năm này qua năm khác, và chắc hẳn chúng mang ý nghĩa của sự bền bỉ là do khả năng tồn tại dẻo dai, bền vững một khi đã được trồng trong khu vườn của chúng ta. Loài hoa dại này phủ tấm thảm xanh biếc lên những cánh rừng vào mỗi độ tháng Năm. Song, chúng sẵn sàng khước từ khi bị chiếm đoạt : những đóa hoa hình quả chuông lay động sẽ nhanh chóng rũ xuống một khi bị hái.
Cát cánh đôi khi bị lầm lẫn với hoa Harebell (Lan dạ hương - Huệ dạ hương ) hay Bluebell xứ Scotland, là một loài hoa khác hẳn thuộc họ Campanula. Tên nhóm là Endymion lấy theo tên một chàng chăn cừu trẻ đẹp được nữ thần Mặt Trăng Selene đem lòng yêu thương. Đây là một thiên tình ca đầy thơ mộng trong thần thoại Hy Lạp.
Selene yêu Endymion tha thiết. Endymion lại chẳng hề biết đến tình yêu ấy. Chàng chỉ ước một điều là được trẻ đẹp mãi. Chấp nhận lời khẩn cầu của chàng, thần Zeus đã ban cho chàng vẻ đẹp trẻ trung vĩnh viễn nhưng đồng thời cùng với điều kiện chàng phải chìm vào một giấc ngủ thiên thu.
Selene được tin rất đỗi buồn rầu. Nàng cưỡi cỗ xe song mã có đôi ngựa trắng muốt như tuyết xuống trần gian. Nàng đến động Latmos huyền diệu, nơi Endymion đang chìm đắm trong giấc ngủ vĩnh hằng. Selene nằm xuống bên chàng, nghe tiếng tim chàng đập và say sưa uống từng hơi thở nồng nàn của chàng . Và cứ thế, hằng đêm, khi bóng tối đã bao phủ cả trái đất, Selene lại mặc chiếc áo dài trắng muốt, trên mũ cài một lưỡi liềm, lặng lẽ uy nghi đi qua bầu trời. Nàng hiền hòa tỏa ánh sáng trắng bạc xuống đất. Khi đã đi khắp vòm trời, nàng lại lặng lẽ đến cái hang sâu cùng với Endymion. Nàng cúi xuống bên chàng, vuốt ve và nỉ non những lời âu yếm.
Năm tháng cứ thế trôi đi, Endymion vẫn ngủ triền miên còn Selene vẫn giữ mãi mối tình thủy chung, thầm lặng mà tuyệt vọng ấy. Vì vậy, ánh sáng của nàng ban đêm chiếu xuống trần gian cũng đượm vẻ mơ màng, buồn bã. Hình như những mối tình thầm lặng và tuyệt vọng đều đẹp, đều êm ái, nhẹ nhàng và bàng bạc như ánh trăng nhưng đều có cái nỗi buồn man mác của nữ thần Selene.
(Sưu tầm trên internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét